Khắc phục khó khăn để dạy tốt
Trường Tiểu học thị trấn Na Hang hiện còn 2 điểm trường lẻ ở các thôn là Nà Mỏ và Ngòi Nẻ. Do thiếu giáo viên, nhà trường đã phân công các cô giáo thay nhau dạy học giữa các điểm trường, đảm bảo các lớp học diễn ra bình thường. Cô giáo Đàm Thị Huệ, Trường Tiểu học thị trấn Na Hang cho biết, hàng ngày việc di chuyển giữa điểm trường này đến điểm trường kia khoảng hơn 10 km nhưng cô không ngại bởi chặng đường đến với học trò thì chẳng thể tính bằng km mà phải tính lượng kiến thức, sự trưởng thành hơn của học trò. Thấy học trò tiến bộ, nhiều em từ bản xa đã nỗ lực học tập để sau này có nghề nghiệp, có tương lai tươi sáng hơn… cô hạnh phúc lắm.
Đồng chí Vũ Đình Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua cho các cá nhân có thành tích.
Thiếu giáo viên, song Trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) vẫn triển khai tốt kế hoạch dạy học. Các thầy cô giáo được giao nhiệm vụ vẫn bám trường, bám lớp, bám học sinh để cố gắng duy trì sĩ số ổn định. Ở Phù Lưu thời gian gần đây xảy ra tình trạng, cam mất giá, một số phụ huynh đi làm ăn xa nên có phần bỏ bê con cái ở nhà "phó mặc" cho ông bà hoặc người thân, chính vì thế các cô giáo phải xuống tận nhà để tỉ tê, vận động các em đến lớp, phần cũng là nắm chắc tình hình, hoàn cảnh của từng em. Cô giáo Hoàng Thị Tươi, dạy môn Lịch sử, Trường THCS Phù Lưu nói, có em muốn bỏ học giữa chừng để đi làm nhưng nghe cô giáo khuyên nhủ, nhà trường phân tích thì phụ huynh cũng dần hiểu ra. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, nhiều em xác định học hết trung học để thi đại học và đi học nghề để sau này có nghề nghiệp, tương lai ổn định.
Theo thống kê của ngành Giáo dục tỉnh, có những thời điểm toàn tỉnh thiếu đến hơn 2.600 giáo viên khiến việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều trường còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên không vì thế mà làm ảnh hưởng đến chất lượng, phong trào "học tốt, dạy tốt" vẫn được triển khai hiệu quả. Các thầy cô sẵn sàng dạy tăng giờ, tăng tiết, các trường học cải tạo, huy động nguồn lực xây dựng lớp học mới, dồn ghép những điểm trường lẻ để tập trung cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh đã giảm được 73 điểm trường lẻ và tiếp tục rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp. Cùng với đó, trong năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố đã đầu tư xây mới, sửa chữa hơn 600 phòng học, tỉnh cũng đã tổ chức tuyển dụng hơn 1.400 chỉ tiêu cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học. Từ đó tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Cô giáo Đàm Thị Huệ dạy học ở điểm trường Ngòi Nẻ thuộc Trường Tiểu học thị trấn Na Hang.
Cả xã hội quan tâm
Đảng và Nhà nước ta luôn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Chính vì vậy, việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục, các chính sách mới về giáo dục, đội ngũ nhà giáo luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được đại biểu tập trung chất vấn là các các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương; phòng chống tình trạng bạo lực học đường; hoạt động thu chi trong trường học và đặc biệt là chính sách về tiền lương cho giáo viên…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi trả lời chất vấn đã khẳng định, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh say sưa dạy hát Then cho học sinh.
Những thông tin mới về chính sách cải cách tiền lương, nhất là lương giáo viên và cán bộ, nhân viên trong trường học đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhân dân. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình đối với việc cần tăng lương cho giáo viên để giải "bài toán" dạy thêm học thêm, chấm dứt tình trạng giáo viên bỏ việc hàng loạt trong thời gian qua.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng thường xuyên được thực hiện. Tỉnh đã có cơ chế đặc biệt trong thu hút nguồn nhân lực đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc khi về công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy đang dạy môn Ngữ văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT ATK Sơn Dương từng tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi và được thu hút về trường từ hơn 9 năm trước. Ngoài tiền hỗ trợ ban đầu, cô còn được tạo điều kiện về chỗ ở và môi trường làm việc. Nhờ đó cô Thủy đã phát huy hết năng lực, sở trường của mình, năm nào cô cũng bồi dưỡng có học sinh giỏi đoạt giải cao cấp tỉnh. Cô Thủy cho biết, những chính sách thu hút của tỉnh đã giữ chân cô và cô sẽ tiếp tục gắn bó và cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở ngôi trường nội trú này.
Với những nỗ lực không ngừng, đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục tỉnh đã viết tiếp truyền thống vẻ vang, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của quê hương giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Đoan Dồn ghép điểm trường để nâng cao chất lượng Trước khi dồn ghép các điểm trường, huyện đều tiến hành rà soát, đánh giá các điểm trường với mục tiêu bảo đảm điều kiện để học sinh được tham gia học tập thuận lợi tại các điểm trường chính. Huyện chỉ sáp nhập những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi khoảng cách giữa các điểm trường; tổ chức rà soát các chức danh, vị trí việc làm để sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế các trường hoạt động hiệu quả, tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục trong từng nhà trường. Đồng thời, việc dồn ghép giúp các trường bảo đảm sĩ số học sinh trên lớp theo quy định, thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học tránh ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học của mỗi cấp học... Đồng chí Trần Văn Chính Linh hoạt bố trí, sắp xếp giáo viên Năm học 2023 - 2024, huyện Chiêm Hóa được giao 1.877 giáo viên ở 3 cấp học. Tính đến hết tháng 11-2023, tổng số giáo viên có mặt là 1.798 giáo viên, hiện còn thiếu 80 chỉ tiêu giáo viên. Trong đó, cấp THCS thiếu 56 giáo viên, tiểu học thiếu 20 giáo viên và cấp mầm non thiếu 4 giáo viên. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường, như: sắp xếp lại lớp để bố trí giáo viên đảm bảo hợp lý ở các trường; thực hiện sáp nhập điểm lẻ về điểm chính ở 2 cấp mầm non và tiểu học những nơi ít học sinh. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện cũng chỉ đạo các trường THCS dạy 2 ca đối với những trường thiếu nhiều giáo viên; vận động giáo viên dạy tăng giờ. Đồng thời, phòng cũng tham mưu cho UBND huyện cử biệt phái giáo viên ở những trường có đủ giáo viên đến hỗ trợ dạy từ 7 đến 10 tiết/tuần cho những trường thiếu. Ông Nguyễn Văn Tiến Nâng đãi ngộ, giảm áp lực cho giáo viên Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường có 34 giáo viên, thiếu 3 giáo viên thuộc các bộ môn Tin học, Văn học. Trong thời gian qua, để khắc phục tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường phân công 3 giáo viên bộ môn Tin, Văn học tăng tiết, tăng buổi dạy; trung bình, mỗi giáo viên "gánh" thêm 20 - 25 tiết học/tháng. Trong điều kiện chưa có chính sách hỗ trợ, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ tinh thần đối với những giáo viên được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ này. Cô giáo Trịnh Diên Hải Giảm áp lực để tăng chất lượng dạy và học Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 12 lớp học (các khối 3, 4 và 5) với yêu cầu được dạy tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông. Trung bình mỗi tuần tổng số tiết dạy môn tiếng Anh tại trường 48 tiết. Trong khi trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, phải dạy vượt hơn 10 tiết so với quy định, trường hợp giáo viên tiếng Anh nghỉ ốm, công việc đột xuất không có giáo viên khác để bố trí dạy thay. Mặc dù nhà trường đã linh hoạt bố trí thời khóa biểu, sử dụng phòng hội đồng, kê thêm bàn, ghế tổ chức ghép 2 lớp cùng khối học chung 1 tiết, tuy nhiên, do học sinh đông ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Rất mong cấp trên quan tâm sớm tăng cường, điều động giáo viên tiếng Anh trường khác về trường dạy hoặc tuyển thêm giáo viên phân công về trường công tác, vừa giảm tải áp lực cho giáo viên tiếng Anh, vừa đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục. Anh Lại Văn Hùng Để có môi trường học tập đầy đủ, toàn diện Từ khi dồn ghép điểm trường, quãng đường đến điểm trường mới xa hơn. Do cả hai vợ chồng đều làm công ty, nên việc đi học của các con phải nhờ ông bà hoặc các con tự đến trường. Từ khi con đi học ở điểm trường mới xa hơn, ông, bà phải sắp xếp thời gian, thay nhau đưa đón con tôi đi học 2 lần/ngày. Có những hôm mưa gió ông bà không thể đi xe được tôi phải nhờ hàng xóm đưa đón hộ. Dù còn nhiều khó khăn trong việc đưa con đến trường, nhưng thấy trẻ được học tập ở môi trường tốt hơn, được tham gia những hoạt động tập thể, gia đình tôi vẫn cố gắng khắc phục khó khăn để con có môi trường học tập đầy đủ, toàn diện. |
Gửi phản hồi
In bài viết