Vị thế người thầy
Trong xã hội xưa, người thầy có một vị thế rất quan trọng với quan niệm người thầy chỉ đứng sau vua. Người thầy là biểu tượng của tri thức nên trong làng ngoài xã, công to việc lớn đều đến xin ý kiến của người thầy. Bởi vậy, mối quan hệ giữa thầy trò và gia đình của các trò có mối quan hệ gần gũi, gắn bó. Người thầy có vị thế rất được tôn trọng, được đặt ngang với đấng sinh thành. Bởi thế, học trò gọi người dạy học bằng Thầy, tương tự như gọi cha mình.
Cô và trò trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang).
Người xưa cũng xác định rất rõ mục tiêu của việc học đó là học để làm quan, học để trở thành người quân tử. Cho nên ngoài việc học để lấy kiến thức, người học còn phải học đạo lý làm người, học cách ứng xử, học kiến thức gắn liền với học đạo. Người thầy vì thế được tôn sư.
Ngày nay, khi xã hội phát triển cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Internet, học trò có nhiều cách để tiếp cận với tri thức như học trên Internet, học trong báo chí, sách vở…nhưng vị thế người thầy vẫn không thay đổi. Vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của người thầy càng nặng nề hơn bởi đứng trước những yêu cầu, thách thức phải đổi mới, sáng tạo, giữ gìn phẩm chất đạo đức để không đánh mất vị thế trong lòng học trò.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt, định hướng, gợi mở kho tàng tri thức, khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, làm chủ khoa học công nghệ. Đồng thời phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu gương về sự chuẩn mực để làm tấm gương trước học trò. Điều này đòi hỏi người thầy không thể chỉ tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá kiến thức, năng lực của học sinh mà còn phải là người giúp học trò nhận ra đúng căn cốt của việc học, phải là người nâng đỡ và phát triển con người.
Hiểu đúng về tôn sư
Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo trong câu ca dao “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, nhà giáo Hà Quốc Học, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho rằng, mỗi bậc cha mẹ và học sinh cần hiểu đúng về đạo tôn sư, “yêu lấy thầy” có nghĩa là phải kính trọng thầy cô, gắn bó, gần gũi, đồng hành với thầy cô giáo, tạo điều kiện, chia sẻ và thấu hiểu công việc của thầy cô để cùng giáo dục tốt con em mình.
Bất kể thầy cô nào cũng mong muốn cho học trò của mình chăm ngoan, tiến bộ. Trên thực tế, hiện nay đang có một thực trạng, không ít phụ huynh học sinh tỏ thái độ phản ứng với thầy cô khi thầy cô quát mắng con em mình, cho rằng thầy cô không quý mến con em mình. Theo ông Học, đây là một quan điểm sai lầm của nhiều bậc làm cha mẹ hiện nay, nguyên nhân xuất phát từ việc nuông chiều con cái và chưa thực sự hiểu tính cách của con em mình.
Cô giáo Trương Bích Thủy, trường tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) trao đổi với phụ huynh và các em học sinh về chương trình đổi mới dạy và học của nhà trường.
Cô giáo Trương Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) cho rằng, có một thực trạng nữa hiện nay là không ít phụ huynh học sinh mải làm kinh tế mà giao phó toàn bộ việc giáo dục, dạy bảo, chăm sóc con cái cho nhà trường và giáo viên. Truyền thống tôn sư trọng đạo của cha ông ta xưa kia trong ngày nay cần được hiểu đúng đó là sự kính mến, tin tưởng, quý trọng thầy cô chứ không phải ngày lễ, tết thì quà cáp, biếu xén về vật chất. Sự kính mến, tin tưởng, quý trọng, gần gũi thầy cô ở đây thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, cha mẹ học sinh với giáo viên và nhà trường. Cha mẹ phải thực sự thấu hiểu con cái cần gì để cùng với thầy cô, nhà trường và xã hội giáo dục con em mình. Trong một cuộc khảo sát mới đây của cô Thủy với phụ huynh học sinh và học sinh trong lớp chỉ có 20% phụ huynh thấu hiểu con cái của mình. Cũng theo cô Thủy, trong thời gian qua, cô cũng đã tích cực đổi mới các buổi họp phụ huynh với nhà trường để mỗi buổi họp phụ huynh là một buổi gắn kết giữa thầy cô và phụ huynh, phụ huynh nắm được chủ trương, định hướng của nhà trường, thầy cô, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của con em mình. Sự đổi mới này nhằm xóa bỏ suy nghĩ trong không ít phụ huynh rằng họp phụ huynh chỉ nhằm bàn đến việc đóng các khoản kinh phí.
Ở một góc độ khác, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Tuyên Quang cho rằng, muốn phụ huynh và học sinh kính trọng, quý mến thầy cô thì điều cốt lõi nhất vẫn là người thầy phải giữ được phẩm chất đạo đức cao quý của bậc làm thầy. Người thầy không chỉ giỏi về trình độ kiến thức mà còn phải giữ gìn được phẩm giá, làm gương về sự chuẩn mực để phụ huynh và học sinh kính trọng. Trong thời buổi kinh tế thị trường, đứng trước sự cám dỗ về vật chất và tiền bạc, người thầy càng phải giữ được sự liêm chính, có như vậy mới giữ được vị thế trong lòng học trò. Và muốn giáo dục được con em mình thì mỗi bậc làm cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ, tin tưởng, gần gũi, chia sẻ với vất vả, nhọc nhằn trong sự nghiệp “trồng người” của người thầy.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc càng cần được gìn giữ và phát huy trong bối cảnh mới, bởi người học trò không chỉ học, tích lũy kiến thức mà còn phải học đạo làm người, học lẽ sống, “tiên học lễ hậu học văn” từ chính người thầy của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết