Nông dân - Chủ thể nông thôn mới

- Toàn tỉnh đã có 8 xã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Mỹ Bằng, Thái Bình, Hoàng Khai (Yên Sơn), Tràng Đà, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), Vinh Quang (Chiêm Hóa), Bình Xa (Hàm Yên), Sơn Nam (Sơn Dương). Từ những xã này có thể thấy, xây dựng nông thôn mới nâng cao là một hành trình gian nan đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Trên hành trình đó, việc phát huy sức dân, coi trọng vai trò chủ thể của nhân dân là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất.

Hạ tầng khang trang từ sức dân

Tràng Đà (TP Tuyên Quang) - một trong 6 xã vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đang khoác lên mình màu áo mới. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Vũ Thị Thu Hoài cho biết, đến nay 100% đường liên xã, đường trục xóm; đường ngõ xóm được nhựa hóa và bê tông hóa; 74% đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình, hạng mục được thực hiện bằng 100% vốn xã hội hóa của nhân dân và doanh nghiệp đóng góp như: trên 8 km đường điện thắp sáng huy động được 411,7 triệu đồng, cột cờ theo mẫu huy động được 115 triệu đồng, hệ thống camera an ninh huy động nhân dân đóng góp 100 triệu đồng, 190 mét đường nội đồng huy động 60 triệu đồng, sân bê tông, tường rào trường học huy động 600 triệu đồng. Đồng chí Hoài cũng cho biết thêm, trước đây khi xây dựng nông thôn mới, hệ thống nhà văn hóa của xã đều đã đạt chuẩn nhưng khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhà văn hóa các xóm được nhân dân đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị bên trong, được lát nền, làm trần, xây dựng công trình phụ… từ sức dân.

Một góc xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đạt nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Quốc Việt.

Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) mấy năm về trước, khi chưa xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn còn một số hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện. Nhưng nay sau khi đã đạt nông thôn mới nâng cao, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu hiến đất để xã, thôn mở đường, làm nhà văn hóa… Toàn xã có 61 hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường giao thông với tổng số đất hiến là 4.480 m2; nhân dân tham gia lao động làm đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng với 15.860 ngày công, tương đương 4,6 tỷ đồng. Ông Phùng Tiến Thông, Trưởng thôn An Ninh, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) kể, trước đây, thôn An Ninh còn nhiều tuyến đường nội đồng là đường đất, nhỏ hẹp, khó khăn trong việc thu hoạch nông sản, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa. Năm 2021, cùng với sự quyết tâm của bà con nhân dân, thôn An Ninh đã bê tông hóa 1.075 m đường giao thông nội đồng, 35 hộ dân hiến 2.560 m2 đất ruộng, đóng góp kinh phí làm đường 478 triệu đồng. Ngoài ra thôn còn triển khai lắp đặt 410 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, phục vụ dẫn nước tưới tiêu sản xuất, huy động nhân dân đóng góp 180 ngày công lắp đặt, chỉnh trang nhà văn hóa thôn, mua sắm bàn ghế, thiết bị loa đài nhà văn hóa, cải tạo sân thể thao thôn…

Thực tế trên cho thấy, chính sức dân, sự đồng thuận của nhân dân đã trở thành nguồn nội sinh lớn, cộng hưởng cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước đã đưa diện mạo của những xã xây dựng nông thôn mới nâng cao có những bước tiến mới.

Sức dân làm giàu cho dân

Ngôi nhà của ông Ma Văn Lăng, Trưởng thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) nằm giữa màu xanh của vườn cây trái và rau màu rộng 3.000m2. Khu vườn của gia đình ông Lăng đã được công nhận là vườn mẫu. Từ khi biết xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Lăng đã tự nguyện đăng ký với xã xây dựng vườn mẫu để nhân dân trong thôn, xã đến học tập và nhân rộng. Trước đây, toàn bộ vườn của gia đình ông Lăng chỉ trồng các loại rau màu. Giờ đây, vườn của nhà ông vừa trồng 62 cây bưởi da xanh, bưởi đường vừa trồng bí nếp. Cạnh đó, ông có hai ao nuôi cá thịt, có khu nuôi gà thả vườn lên tới hàng trăm con. Từ mô hình vườn ao chuồng của gia đình, mỗi năm cho gia đình ông Lăng thu lãi hơn 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Từ mô hình kinh tế của gia đình ông Lăng, ở Hoàng Khai giờ đã xây dựng được 150 mô hình vườn đẹp vừa trồng cây ăn trái vừa trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, trên địa bàn xã đã thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản quy tụ được 30 hộ tham gia, 7/12 thôn đã có mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi gà thịt...

Mô hình vườn mẫu của gia đình ông Ma Văn Lăng, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) được nhân dân đến học tập.

Nếu ai đã từng đến thăm mô hình vườn hồng của gia đình bà Phạm Thị Thư, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hẳn là sẽ muốn nán lại lâu hơn. Gia đình bà Thư hiện là hộ có vườn hồng mọng đẹp nhất Tràng Đà với 130 gốc, hiện đã cho thu hoạch một nửa. Bà Thư cho biết, chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình bà đã đi đầu cải tạo vườn hồng, ghép giống hồng mọng cho năng suất, chất lượng cao hơn giống hồng cũ trước đây. Nhờ đó, mỗi vụ thu hoạch hồng, gia đình bà thu từ 2 đến 3 tấn quả. Ngoài trồng hồng, gia đình bà còn kinh doanh hoa lan. Mô hình kinh tế của gia đình bà mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.

Từ sức dân, ở những xã được công nhận nông thôn mới nâng cao đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, thực chất, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng khấm khá.

Bài học khơi dậy sức dân

Theo Bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 do UBND tỉnh ban hành gồm có 18 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí đòi hỏi phải đạt tỷ lệ cao hơn tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nếu không có sự chủ động, tích cực của nhân dân thì không thể hoàn thành. Bài học trong khơi dậy sức dân đó chính là cần có phương pháp tuyên truyền, vận động khoa học để nhân dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới nâng cao chính là nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống, vươn tới hình mẫu về nông thôn.

Nhà văn hóa thôn Thác Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2021 do Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

Đồng chí Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Xa (Hàm Yên) chia sẻ: “Khơi dậy sức dân để xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã luôn chú trọng tuyên truyền phải đi trước một bước trước khi có phê duyệt của cấp trên. Tuyên truyền để nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên được quán triệt phải là một tuyên truyền viên trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bởi vậy, ngay từ người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo UBND xã cũng phải thực hiện nghiêm, đúng quy định việc dự sinh hoạt chi bộ, dự họp thôn cùng nhân dân để vừa tuyên truyền, vận động vừa nắm bắt tình hình tư tưởng trong nhân dân”.

Song song với công tác tuyên truyền, thực tế ở những xã đạt nông thôn mới nâng cao đã thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, bài học kinh nghiệm mà anh rút ra là muốn nhân dân tin tưởng, đồng thuận thì nhân dân phải được biết, được bàn bạc, đóng góp ý kiến và quyết định. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã chỉ đạo các thôn thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí thực hiện chương trình, không để xảy ra thất thoát kinh phí, vật tư, tiền của Nhà nước và nhân dân đóng góp.

Đồng tình với ý kiến này, đồng chí La Thị Nguyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thác Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) cũng cho rằng, muốn khơi dậy sức dân thì trước hết phải công khai, minh bạch, nhân dân được biết, được bàn, được trực tiếp làm và giám sát, kiểm tra. Đồng thời cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu, gương mẫu trong các khoản đóng góp để thực hiện.

Làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và gương mẫu của cán bộ, đảng viên là ba giải pháp cốt lõi nhằm khơi dậy sức mạnh, nội lực trong nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu trên 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2022 đến 2025, toàn tỉnh sẽ có 20 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Thực hiện mục tiêu này, bài học phát huy sức dân và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao phải là xuyên suốt và thực sự được chú trọng. Vì đây vừa là bài học, vừa là giải pháp và cũng là mục tiêu cao nhất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục