Còn lại Mẹ tôi...

- Tuyên Quang có 196 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện có 8 Mẹ còn sống. Dẫu biết sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của các Mẹ, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực chăm lo, thực hiện chế độ chính sách cho người có công. Đặc biệt là việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng để ghi nhớ, tôn vinh các mẹ.

Những chuyện chưa bao giờ nguôi

Ở tuổi 88, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Hồng, thôn Khuân Trò, xã Công Đa (Yên Sơn) vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Dẫu vậy, trên khuôn mặt hằn vết thời gian của mẹ chất chứa mất mát, đau thương.

Trong gian nhà nhỏ, mẹ Hồng đặt 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công và bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở vị trí trang trọng nhất. Thắp nén hương tri ân cho thân nhân, mẹ Hồng kể về 2 người con hy sinh của mình với niềm xúc động dâng trào.

Mẹ bảo, trong vòng 5 năm, mẹ đã mất đi cả hai người con trai - hai giọt máu của mình. Con trai cả của mẹ là liệt sỹ Ma Văn Tuyên, hy sinh ở chiến trường Tây Ninh năm 1979, con trai thứ là liệt sỹ Ma Văn Thị, hy sinh tại chiến trường biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) năm 1984.  “Năm ấy, vừa ăn Tết cổ truyền xong, trời hãy còn rét lắm! Tiễn nó đi bộ đội, nó còn dặn lại nhớ lấy tên khai sinh cho con trai chưa chào đời là Ma Ngọc Thành” - Mẹ Hồng nghẹn ngào kể.

Liệt sỹ Ma Văn Thị nhập ngũ ngày 24-2-1984, hy sinh ngày 18-4-1984 tại chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) chỉ sau hơn 2 tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Mẹ kể, trước ngày liệt sỹ Thị mất, đêm nào mẹ cũng mơ thấy anh bị thương, máu thấm ướt cơ thể mà không dám kể với ai, chỉ âm thầm chịu đựng. Đến ngày nhận được thông tin chính thức, mẹ ngất và nằm liệt giường mất cả tuần. Đó cũng là lý do sau này 2 mắt của mẹ không nhìn thấy suốt 8 năm ròng. 

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đượm, thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức (Hàm Yên) tuy không còn khỏe mạnh nhưng mẹ Đượm vẫn ngày ngày hy vọng tìm được hài cốt của hai người con trai đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kỷ vật mà các anh để lại cho mẹ chẳng có gì ngoài bức ảnh đen trắng chụp trước ngày các anh nhập ngũ. Mẹ Đượm đưa đôi tay gầy guộc lên bức ảnh của liệt sỹ Vũ Hữu Giao, nghẹn ngào: “Nó nhập ngũ khi mới 18 tuổi, nó ngoan lắm, ở nhà toàn nhận làm việc nặng thay cho các em”.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, phường An Tường (TP Tuyên Quang) và bức di ảnh của liệt sỹ Nguyễn Văn Chung.

Năm nay đã 103 tuổi, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, tổ 9, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vẫn chống gậy qua nhà hàng xóm nhờ tìm giúp con trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Chung, hy sinh chiến trường Nam Lào hơn  50 năm về trước. Mẹ bảo, con viết đơn xung phong đi bộ đội khi mới 17 tuổi, mẹ nhớ con lắm. Giờ chỉ mong tìm được hài cốt, đưa về gần với mẹ để mẹ yên tâm... Mẹ nói mà nước mắt rơi xuống bức ảnh người con trai vẫn mãi ở tuổi 17 đang cầm trên tay. 

Mẹ Nhớn hiện sống với cháu và được chăm lo đầy đủ, tận tình. Ngoài chế độ của Nhà nước mẹ được 2 đơn vị là Z129 và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời, cùng với sự chăm sóc thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Các mẹ không cô đơn

Mẹ Hồng đang sống với cháu nội Ma Ngọc Thành, con liệt sỹ Ma Văn Thị. Mẹ bảo, mẹ nuôi cháu nội từ lúc mới có 3 ngày tuổi, bao nhiêu tình cảm nhớ nhung con trai, Mẹ dành cả cho Thành. 

Chúng tôi đến thăm mẹ Hồng vào một ngày trung tuần tháng 7-2022, đúng dịp chính quyền, tuổi trẻ xã Công Đa đến giúp mẹ và gia đình dọn dẹp nhà cửa, vườn tược. Ngôi nhà này được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng. Bàn ghế, vật dụng gia đình được các doanh nghiệp tặng, hỗ trợ. Mẹ kể, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả tỉnh, huyện; được người hiến giác mạc, phẫu thuật thành công, mẹ đã sáng mắt trở lại sau 8 năm mất thị lực vì thương nhớ con.

Chính quyền, Đoàn thanh niên xã Công Đa (Yên Sơn) tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Hồng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Đồng chí Trần Thị Hoài Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết: Trên địa bàn xã có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Lương Thị Hồng, ở Khuân Trò và mẹ Nguyễn Thị Liễn, thôn Bẩng. Các mẹ tuổi đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã không chỉ phụng dưỡng các mẹ vì trách nhiệm mà phụng dưỡng, quan tâm bằng tấm lòng, tình cảm và sự biết ơn. 

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Hiện mẹ đang sống cùng con trai là anh Lê Văn Hồng. Mẹ bảo, mấy năm trước được Nhà nước hỗ trợ mổ mắt nên giờ dù tuổi đã cao nhưng mẹ vẫn nhìn rõ khuôn mặt hai người con trai trong bức ảnh trên bàn thờ. Gia đình mẹ đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi trong phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ làm nhà ở. Bản thân mẹ Giã, ngoài các chính sách do Nhà nước chi trả hàng tháng, còn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Anh Lê Văn Hồng, con trai mẹ Giã chia sẻ, gia đình luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền. Hàng năm, vào các dịp lễ Tết, các cấp, các ngành đều tổ chức đến thăm, tặng quà cho mẹ và gia đình. Gia đình rất vui mừng vì ngày càng được quan tâm, chăm sóc thường xuyên hơn.

Những ngày này, trong mỗi chúng ta lại ngân vang những ca từ trong bài hát “Đất nước” của Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng, mất mát, đau thương của người mẹ mất con trong chiến tranh. Hòa bình hôm nay, các mẹ vẫn không nguôi nhớ con. Tổ quốc, nhân dân vẫn luôn ghi nhớ các công ơn các liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Tri ân, phụng dưỡng các mẹ vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của nhân dân, của những thế hệ sau  đối với những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục