Hiện chi hội có 11 hội viên đa phần đã cao tuổi như: Nhà văn Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong; Tiến sỹ Nguyễn Vũ Phan, Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Giám đốc Điện lực tỉnh Tống Đại Hồng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Bàn Công Hiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bàn Xuân Triều…
Anh Nguyễn Phi Khanh trong một lần điền dã ở xã Xuân Lập, Lâm Bình.
Anh Nguyễn Phi Khanh, sinh năm 1958 tại Vũ Thư, Thái Bình một vùng đồng bằng ven biển. Khi lên 2 tuổi anh theo bố mẹ lên Tuyên Quang công tác, định cư ở xã An Khang, huyện Yên Sơn nay là thành phố Tuyên Quang. Bố anh sau làm cán bộ ở Bưu điện tỉnh, mẹ dạy học cấp 1 An Tường, Xuân Vân rồi về An Khang. Ngay từ khi học cấp 1 và 2 xã An Khang, anh Nguyễn Phi Khanh đã bộc lộ năng khiếu Văn, anh được tuyển vào đội thi học sinh giỏi Văn cấp huyện. Lên cấp 3 Yên Sơn nay là THPT Nguyễn Văn Huyên, cách nhà 7 km, anh kiên trì 3 năm cuốc bộ đi học. Nói về người bạn cùng lớp cấp 3, anh Bùi Quang Khánh - hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh rất thán phục sự chăm chỉ, ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên học giỏi của người bạn ngồi gần bàn.
Quả ngọt đã được đền đáp, anh Nguyễn Phi Khanh đỗ vào khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, một ngôi trường danh tiếng lúc bấy giờ. Sau hơn 4 năm dùi mài kinh sử, năm 1981, anh tốt nghiệp đại học về xin vào làm ở Ty Văn hóa Hà Tuyên. Công việc lúc đầu của anh là chuyên viên văn hóa, tổng hợp, tham gia làm các cuốn đặc san, bản tin. Ở môi trường phù hợp này, anh càng say mê, phát huy sở trường nghiên cứu về văn hóa dân gian của tỉnh. Anh thích nhất Tuyên Quang có đông đồng bào dân tộc, văn hóa khá “đậm đặc”, chất liệu tốt cho người viết lách. Năm 2011, ở cương vị Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, anh chuyển công tác sang chức vụ mới Chánh Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nghỉ hưu năm 2018.
Bao nhiêu năm làm ở Sở và Hội, anh Nguyễn Phi Khanh cũng trực tiếp tham gia chắp bút viết chung nhiều công trình, đề tài khoa học về văn hóa dân gian. Những đề tài nghiên cứu khoa học anh viết riêng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu như: Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu tỉnh Tuyên Quang; Bảo tồn trang phục truyền thống của người Cao Lan ở Tuyên Quang; Dân ca, dân vũ dân tộc Dao Tuyên Quang; Nghệ thuật diễn xướng Soọng Cô dân tộc Sán Dìu huyện Sơn Dương; Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ Tuyên Quang tác giả viết chung với nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng. Thời gian rỗi, anh Nguyễn Phi Khanh lại lên xe máy đi vào những thôn vùng cao, vùng xa, đông đồng bào dân tộc để điền dã, nghiên cứu, phỏng vấn. Ngoài cuốn sổ, cái bút, đi theo anh lúc nào cũng có máy ảnh để ghi lại những tư liệu, hiện vật, hình ảnh phục vụ cho việc nghiên cứu, viết sách. Chính niềm đam mê “chụp choẹt” phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa dân gian đã làm anh thích cả nhiếp ảnh. Đến nay anh còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Anh Nguyễn Phi Khanh say mê nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Tuyên, đồng thời cũng thích cả nhiếp ảnh.
Anh Nguyễn Phi Khanh cho biết, trong thời gian tới anh có mong muốn tổ chức một cuộc triển lãm ảnh cá nhân về sự đổi mới và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa quê hương xứ Tuyên. Bên cạnh đó tập hợp các công trình nghiên cứu in thành sách, đồng thời tiếp tục nghiên cứu viết đề tài Nghề thủ công truyền thống của một số dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Tuyên Quang. Ở cương vị Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, anh luôn trăn trở làm sao để các hội viên có công trình nghiên cứu văn hóa dân gian tốt nhất, các giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh, việc kết nạp hội viên trẻ, hội viên người dân tộc thiểu số ở các huyện.
Ở tỉnh lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian không nhiều, đây là lĩnh vực khó, cần học thuật và đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm huyết, trong khi thù lao không có hoặc ít ỏi chính là đồng nhuận bút đề tài. Song với anh đã đam mê thì dù không có tiền anh vẫn làm, làm để góp phần quảng bá, xây dựng tình đoàn kết, nét văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc. Từ những đề tài nghiên cứu khoa học này làm cơ sở cho tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ để chỉ đạo, quy hoạch, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhất là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết