Thắp sáng tài năng

- Đằng sau vinh quang từ những tấm huy chương của các vận động viên (VĐV) tỉnh Tuyên Quang có bóng dáng, công sức, tâm huyết của những người thầy của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Những người luôn lăn lộn khắp làng trên, xóm dưới “đãi cát tìm vàng” cho thể thao tỉnh nhà.

Huấn luyện viên Trần Văn Kiên (trong cùng) hướng dẫn VĐV môn Wushu tập luyện.

Truyền lửa đam mê

Những ngày tháng cuối năm này, theo lệ thường, huấn luyện viên (HLV) Đặng Quốc Tuấn, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao lại lần giở các bức ảnh, tấm huy chương, hồi tưởng những gương mặt thuộc các thế hệ VĐV  Pencak Silat tỉnh. Phút giây ấy, gương mặt nghiêm nghị của người thầy dịu lại trong niềm vui, tự hào về những gì đã trải qua, đã gặt hái trong suốt hành trình gần 20 năm gắn bó với công việc HLV Pencak Silat.

Anh Tuấn thường trực tiếp đi đến các võ đường Nam hồng sơn trong tỉnh. Qua những võ đường đó, anh tuyển chọn những VĐV có triển vọng, rồi sau đó anh về gia đình của những VĐV có tố chất để nói chuyện với gia đình. Có gia đình bố mẹ đồng ý, nhưng cũng có gia đình bố mẹ không muốn cho con theo đuổi thể thao. Trong quá trình tìm kiếm anh có rất nhiều kỷ niệm. Năm 2018 khi anh đến nhà chị Nguyễn Thị Huệ, xã Tứ Quận (Yên Sơn) để tìm hiểu, đặt vấn đề với gia đình cho em về tập luyện tại trung tâm. Điều anh bất ngờ nhất là khi vừa vào đến sân nhà thì anh nhìn thấy ở hồi nhà có những bao cát tự chế đã bị nghiêng ngả, hỏi ra thì được biết đó là dụng cụ Huệ tập luyện hàng ngày. Đi 1 vòng ra sau nhà thì thấy vườn chuối cây đổ, cây nghiêng, thân cây dập, nát. Anh đoán ra đó là do có lực tác động vào cây. Từ cách quan sát của một HLV đã có hơn 10 năm làm công tác tuyển chọn VĐV anh quyết tâm thuyết phục gia đình cho em theo học võ thuật tại trung tâm, mặc dù lúc đầu gia đình em Huệ không đồng ý. Đến nay, sau 4 năm tập luyện và được sự hướng dẫn của các HLV môn Pencak Silat, Nguyễn Thị Huệ đã mang về cho thể thao thành tích cao của tỉnh 9 Huy chương các loại, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng tại các giải đấu toàn quốc.

Không giấu được niềm vui khi nói về quá trình tìm kiếm tài năng và thành quả các VĐV đem về cho tỉnh nhà, thầy Tuấn nói: “Muốn gây dựng thế hệ mới, chúng tôi phải tiếp tục lặn lội tìm kiếm và bằng con mắt nghề nghiệp của mình để có thể nhìn thấy tiềm năng ở các lứa tuổi”. Đáp lại những miệt mài kiếm tìm và dìu dắt, đào tạo đó, anh đã có những lứa học trò xuất sắc, ghi danh tên tuổi vào bảng vàng thành tích trên các đấu trường trong nước, khu vực và thế giới. Đó là Nguyễn Kim Huệ, Phạm Quốc Huy, Trịnh Hồng Phương, Khổng Duy Khánh…

Hành trình tìm kiếm VĐV “đường đua xanh”

Vài năm trở lại đây, đua thuyền Canoeing Tuyên Quang ngày càng khẳng định vị trí trên “đường đua xanh” khi giành nhiều thứ hạng cao tại các giải trong nước và đóng góp những gương mặt xuất sắc cho đội tuyển quốc gia.

Huấn luyện viên Lâm Văn Hưng tuyển chọn VĐV tại trường THCS Hồng Thái (TP Tuyên Quang).

Để có đủ VĐV tập luyện, Ban huấn luyện đã phải lặn lội về tận các huyện, xã, trường học, “đỏ mắt” tìm từng VĐV. HLV môn đua thuyền Lâm Văn Hưng, người gắn bó lâu năm nhất với đội đua thuyền Canoeing Tuyên Quang cho biết: “Việc tìm được VĐV đáp ứng yêu cầu về thể hình không hề dễ dàng, kể cả khi may mắn chọn được người thì lại vấp phải sự phản đối của gia đình các em vì bộ môn thể thao này mới mẻ, môi trường tập luyện quá khắc nghiệt, phải thường xuyên tập luyện ngoài trời”.

Trong quá trình tìm kiếm các VĐV, có những VĐV được tuyển chọn qua những lớp năng khiếu tại các trường học, nhưng có những trường hợp được tuyển chọn rất tình cờ. HLV Lâm Văn Hưng chia sẻ, hàng năm, trước kỳ nghỉ hè các huấn luyện viên của trung tâm lại xuống tuyển chọn VĐV tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là các trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống. Vì nơi đó đa số các em có sức khỏe tốt, dẻo dai. Đối với những em có tố chất thể thao còn đòi hỏi các HLV phải kiên trì thuyết phục khi gia đình các em không đồng ý.

HLV Hưng nhớ lại, hôm đó vào một ngày tháng 5-2018, trời mưa tầm tã, anh quay trở lại gia đình em Lý Thị Na, xã Trung Yên (Sơn Dương). Khi đến nhà em, người anh cũng ướt hết, anh phải mượn quần áo của gia đình để mặc tạm chờ quần áo được hong khô. Trước đó, năm 2017 anh Hưng đã đến thuyết phục gia đình nhưng không được vì gia đình em còn nghèo cần em ở nhà phụ giúp bố mẹ. Sau gần 2h đồng hồ thuyết phục, giải thích cuối cùng gia đình cũng đồng ý.

Bước ngoặt ấy đã tạo nên VĐV Lý Thị Na dẻo dai và đầy sức mạnh sau này. Sau gần 4 năm, tập luyện, đến nay VĐV Lý Thị Na đã mang về cho tỉnh 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại các giải đấu quốc gia. Để có được những tấm huy chương làm phong phú bộ sưu tập thành tích đó, là cuộc hành trình gian nan nhưng cũng rất “ngọt ngào” trên con đường phát hiện, tuyển chọn, đào tạo các lứa VĐV kế cận của các HLV.

Người thầy của hàng chục kiện tướng

Người ta biết tới thầy Kiên Wushu không phải thành tích này, thành tích nọ trong thi đấu đỉnh cao mà biết tới anh bởi cái tâm, cái tầm với thể thao, đặc biệt là sở hữu “thiên nhãn” hơn người trong tìm kiếm và đào tạo tài năng thể thao cho tỉnh nhà. Nói vậy bởi anh là người tìm kiếm, phát hiện và cũng là người thầy của hàng chục kiện tướng trên mảnh đất xứ Tuyên. Từng là VĐV giành Huy chương Vàng tại giải Cúp Wushu thế giới, nên HLV Trần Văn Kiên khá hiểu, dễ nhìn nhận thấy tố chất của các VĐV. Ngồi trò chuyện, anh say sưa nói về quá trình lặn lội, tìm tòi và cơ duyên phát hiện ra VĐV này ra sao, dạy dỗ, định hướng cho VĐV kia thế nào, đến những thành tích đạt được của từng VĐV đều được liệt kê ghi chép cẩn thận... Từ tên, tuổi, quê quán, thành tích, số lần được phong kiện tướng của từng VĐV; số VĐV của thôn, xã; số câu lạc bộ, lớp năng khiếu đã mở trong huyện...

Sau 10 năm làm HLV thì riêng ở môn Wushu những VĐV mà anh tìm kiếm và tập luyện đến nay đã có 35 người giành huy chương từ cấp quốc gia, quốc tế, với tổng số 126 huy chương các loại. Trong đó có trên 40 người được phong kiện tướng và VĐV cấp I.

Đằng sau những tấm huy chương mà các VĐV giành được là sự cống hiến không mệt mỏi của những HLV. Hy vọng, “ngọn lửa” đam mê mà họ đã dày công thắp sáng sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để thể thao xứ Tuyên có thêm nhiều nhân tài, đóng góp vào thành tích chung của thể thao đất nước.

Ghi chép: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục