Rộn rã hội làng

- Xuân về, người dân xứ Tuyên lại nô nức trẩy hội. Lễ hội mùa Xuân chính là nơi để khơi dậy mạch nguồn truyền thống, để dòng chảy văn hóa và những nét bản sắc mãi trường tồn, để sáng mãi hình ảnh đất và người quê hương.

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương).

Có dịp về xứ Tuyên đầu Xuân, du khách thập phương hãy nán thêm dăm ba ngày về xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) trẩy hội Đình Giếng Tanh.

Lễ hội đình Giếng Tanh được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch hằng năm, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa tâm linh và giá trị truyền thống dân tộc. 

Đình Giếng Tanh được xây dựng từ năm 1706, thờ hai vị Thành Hoàng là Đức vua cả Ngọc Sơn và Đức vua cả Nghiêm Sơn, Quốc Mẫu Thiểm Hoa Công chúa; ngoài ra Đình còn thờ Thần Nông, Thần Thổ địa và Long Vương là những vị thần phụ trợ cho nghề nông của dân làng, là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Cao Lan. Trải qua hơn 300 năm lịch sử, Đình Giếng tanh không chỉ là nơi thờ cúng và diễn ra các hoạt động tâm linh, mà nơi đây còn gắn với những sự kiện lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Chị Nguyễn Ngọc Thanh, người dân Kim Phú đang sinh sống ở Hà Nội về dự hội đình Giếng Tanh cho biết, mặc dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp cùng gia đình về trẩy hội. Đó không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà qua việc tham gia các lễ hội tôi còn muốn giáo dục con cháu về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Tháng Giêng về, hòa trong không khí rộn ràng, tươi mới của đất trời, đồng bào Tày ở Tân Trào (Sơn Dương) cũng xúng xính áo quần tham gia hội cầu mùa hay còn gọi là lễ hội Đình Tân Trào.  

Đây là lễ hội cầu mùa của làng Kim Long xưa, nay do 3 thôn gồm thôn Tân Lập, Lũng Búng và Mỏ Ché, xã Tân Trào thực hiện. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Sau khi các mâm lễ được rước đến Đình Tân Trào, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, du khách thập phương và nhân dân 3 thôn dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn vị Thành Hoàng làng và tám vị Đại vương và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà yên lành, hạnh phúc, người người khỏe mạnh.

Ở phần lễ hòa quyện vào phần hội chính là các trò chơi dân gian đầy lý thú như: bắt trạch trong chum, leo cầu vồng... được tham gia lễ hội cầu mùa, chị Nguyễn Linh Chi (Hải Dương) chia sẻ: Gia đình tôi rất mong chờ đến ngày này để được tham gia lễ hội, đã nghe mọi người nói nhiều, kể nhiều nhưng đây là lần đầu tiên được xem trực tiếp nên cảm xúc rất khác, không khí đông vui, náo nhiệt và cuốn hút ngay từ khi khai hội.

Trong tiếng trống hội xuân rộn rã thúc giục, khắp xóm ngõ làng quê bừng lên một niềm vui nhộn nhịp. Người người tấp nập đội lễ ra đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) thành tâm cung kính.  

Trò chơi leo cầu vồng thể hiện sự đoàn kết vượt qua khó khăn.

Đình Thọ Vực ở thôn Gò Đình, xã Hồng Lạc được xây dựng từ lâu đời để thờ phụng 3 anh em thần tướng có công giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi Nhà nước Văn Lang. Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi đình vẫn gìn giữ được những nét cổ kính, uy nghiêm, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân trong vùng.

Đồng chí Vũ Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc (Trưởng Ban quản lý di tích đình Thọ Vực) chia sẻ: Hội làng là ngày trọng đại của người dân trong làng. Đây là dịp để con cháu ở xa về với quê hương, là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, những người có công đi khai hoang, mở đất. 

Mùa Xuân vốn được coi là mùa của lễ hội, bên cạnh những lễ hội với quy mô lớn thì hội làng đầu Xuân vẫn là một nghi lễ quan trọng được người dân mong đợi nhất, được coi là cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục