Nguyên nhân phổ biến được tìm ra là lỗi chủ quan của người lái xe. Trong đó, lỗi điển hình là chưa hiểu đúng ngôn ngữ cao tốc. Nếu một lái xe học nghiêm chỉnh thực sự, sẽ thấy trong bài học lý thuyết trước khi thi lấy giấy phép lái xe là phải tuân thủ mọi biển báo một cách tuyệt đối. Khi đi trên cao tốc, làn ngoài cùng dành cho xe tốc độ cao hơn. Chỉ được vượt bên trái và không được vượt khi có biển cấm. Phải tuân thủ tốc độ quy định, bao gồm không được đi quá tốc độ tối đa và đi dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo...
Theo quy định, người điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp nhiều lái xe con vẫn chạy rất ung dung dưới tốc độ quy định, hoặc nhiều xe tải, xe khách trên làn ngoài cùng bên trái, mặc xe sau sốt ruột nhấn còi hay nhá đèn.
Có thể họ cho rằng mình không sai khi không chạy dưới tốc độ tối thiểu, nhưng thực ra họ đã hoàn toàn sai khi ôm làn trái chỉ dành cho xe chạy tốc độ cao nhất, nên làm cản trở các xe khác. Tình trạng đó khiến các tài xế khác muốn đi nhanh phải chạy vượt bên phải, rồi luồn lách, sai chồng sai và gây rủi ro, nguy hiểm.
Có dịp chạy trên cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ mấy ngày qua, tôi nhận thấy nhiều lái xe thoải mái chạy quá tốc độ và sai làn. Có thể họ nghĩ rằng chưa có hệ thống camera phạt nguội.
Mạng sống của con người là đắt giá nhất, nên không thể bất chấp chỉ vì chưa có camera hay chưa bị phát hiện xử phạt. Chính vì vậy, khi đã đi trên đường cao tốc, thì cần hiểu ngôn ngữ của đường cao tốc và cần nâng cấp cả ý thức và trình độ hiểu biết của lái xe. Tuy ý thức của người lái xe không giải quyết được các vấn đề hạ tầng, nhưng sẽ giúp giảm thiểu các thiệt hại có thể gây ra do hạn chế về hạ tầng hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết