Gìn giữ nét đẹp văn hóa

- Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng là một ngày lễ rất quan trọng, vừa để tưởng nhớ tổ tiên, vừa là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc.

Là cư dân nông nghiệp, nền văn minh lúa nước, người Việt lấy Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Còn theo truyền thống Phật giáo thì ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Nhưng nhìn chung, các gia đình đều làm lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, những người đã khuất trong dòng họ đã luôn che chở cho con cháu an lành và làm ăn thuận lợi trong năm mới.

Ngày nay, vào Rằm tháng Giêng, đêm trăng sáng khởi đầu cho một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời mùa xuân ấm lành, nên các Hội thơ, Câu lạc bộ thơ của những người yêu thơ… đã tổ chức sinh hoạt, trở thành sân chơi văn chương hấp dẫn cho những người yêu thơ Việt Nam. Bên cạnh đó, tùy theo phong tục của từng vùng miền, địa phương mà nhiều hoạt động cũng được tổ chức phong phú trong ngày này. Nhưng dù có bồi đắp những điều mới thì Tết Nguyên tiêu vẫn nguyên vẹn giá trị, là một ngày sinh hoạt văn hóa truyền thống thấm đẫm chất nhân văn của dân tộc, cần được giữ gìn.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục