Bất ngờ hơn, cô bé nghèo Lò Thị Mai không đi học tiếng Anh. Vốn ngoại ngữ của cô đến từ những lần tiếp xúc khách quốc tế và nó thay đổi cuộc đời cô - một người chỉ được học hết lớp 9. Nhờ tiếng Anh, Mai giúp cải thiện cuộc sống gia đình, quen biết người chồng hiện tại, học hành ở Singapore, giờ làm việc cho bệnh viện và có điều kiện để giúp đỡ trẻ nghèo ở quê hương.
Ở một số địa điểm du lịch vùng cao, không chỉ có Mai mà nhiều bạn nhỏ nơi này cũng “chém” tiếng Anh với người Tây như gió dù không được học bài bản, thậm chí chưa biết đến IELTS là gì. Sức mạnh của ngoại ngữ đã làm thay đổi cuộc sống của không ít đứa trẻ vùng cao. Điểm chung trong cách học tiếng Anh của những đứa trẻ vùng cao là học ngoại ngữ thông qua khách du lịch.
Nói thế không có nghĩa là phủ nhận cách học tiếng Anh hiện nay. Nhưng rõ ràng, học qua khách du lịch là cách học hiệu quả, thiết thực với trẻ vùng cao. Và trong bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có thể lựa chọn cách học phù hợp. Học ở trường lớp, học qua mạng internet, học qua việc giao tiếp với người nước ngoài… Mục tiêu của việc học tiếng Anh là nói được tiếng Anh. Và tất cả những bằng cấp, chứng chỉ… xét cho cùng cũng là để chúng ta nói được tiếng Anh, để chinh phục những mục tiêu phía trước.
Gửi phản hồi
In bài viết