Điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ”

- Những năm gần đây việc ưu tiên xét tuyển vào đại học đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… đã trở nên rất phổ biến. Đáng chú ý, việc xét tuyển học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần lan sang các trường THCS, THPT khi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025, trong đó yêu cầu không tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.

Nhiều chuyên gia giáo dục và các bậc phụ huynh cũng tỏ rõ sự đồng tình, bởi việc áp dụng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS sẽ làm nới rộng khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục. Thực tế chi phí để luyện thi IELTS vốn là một con số không hề nhỏ, những em được học phải là gia đình có điều kiện về kinh tế. Điều này vô tình tạo ra sự không công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền hay những học sinh có điều kiện học tập khác nhau.

Ngoài ra, đa số phụ huynh cũng cho rằng việc dừng sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào lớp 10 là hợp lý, bởi IELTS không thể đánh giá được năng lực học tập toàn diện của học sinh. IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh.

Cũng không thể phủ nhận những ưu thế vượt trội mà IELTS mang lại. Với nền tảng tiếng Anh vững chắc, thế hệ trẻ có thể dễ dàng bước ra thế giới và hòa nhập vào môi trường đa văn hóa, trở thành công dân toàn cầu. Song, chứng chỉ này cũng không phải là “chìa khóa” vạn năng giúp học sinh thành công mở mọi cánh cửa trên hành trình chinh phục tương lai. Bên cạnh khả năng ngoại ngữ, phát triển toàn diện mới là mục tiêu mà nhà trường, các bậc phụ huynh và cá nhân học sinh cần hướng đến. Học tập là quá trình không ngừng tích lũy kiến thức và khám phá giới hạn của mỗi người. Trong đó, phát huy thế mạnh của bản thân và nỗ lực học hỏi để trau dồi những kỹ năng còn thiếu mới là đích đến của cuộc hành trình đi đến tương lai.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục