Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hóa đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.
Tại Việt Nam trong khoảng 30 năm qua đã và đang có những biến động, biến đổi sâu sắc, toàn diện và phức tạp trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sự biến đổi, biến động và phát triển đó, việc đọc và văn hóa đọc ở nước ta cũng đang diễn ra với dấu hiệu và đặc điểm mới khác nhau. Trong đó việc xuất hiện của Internet, truyền thông hiện đại - Internet phát triển cũng đã góp phần tạo nên những biến đổi mạnh mẽ, tác động đến vấn đề đọc và văn hóa đọc của người Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa đọc, mấu chốt để văn hóa đọc nước ta phát triển là kiên trì thực hiện dựa trên hai tiêu chí thiết thực và chiều sâu. Thiết thực là cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để ngành xuất bản phát triển trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng; cho ra đời nhiều cuốn sách giá trị về nội dung và hình thức; chuyển đổi số tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu mới của công chúng trẻ về sách điện tử, sách nói; gây dựng nhiều tủ sách ở nơi cần đến sách; đưa sách đến đối tượng yếu thế trong xã hội...
Chiều sâu là cần thêm nhiều hoạt động hiệu quả về phương pháp đọc sách, lựa chọn sách để mỗi cá nhân, nhất là đối tượng thiếu nhi, coi đọc sách là một thói quen thường xuyên, tự giác, là một sở thích chứ không phải ép buộc như việc phải đọc sách để nâng cao thành tích học tập.
Phát triển văn hóa đọc là việc luôn cần thực hiện với sự kiên trì trong một thời gian dài. Bởi vậy cần chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết