Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi

- Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới nhấn mạnh giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới là phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi; nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội. Điều này đã khẳng định nhận thức của Đảng ta về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng có bước phát triển.

Trên thực tế chúng ta thấy, đội ngũ doanh nhân không chỉ khẳng định tên tuổi của mình bằng năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp phát triển, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, tạo hình ảnh, thương hiệu tốt cho quốc gia mà nhiều doanh nhân còn khẳng định trách nhiệm cao với cộng đồng thông qua việc cùng với Nhà nước gánh vác các chương trình an sinh xã hội, khắc phục hậu quả của thiên tai, chăm lo đời sống vật chất và tinh nhần cho Nhân dân, người lao động. Đó là đạo đức, là văn hóa kinh doanh mang bản sắc rất riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 41 không chỉ là việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội mà đó còn là trách nhiệm xã hội trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, chú trọng bảo vệ môi trường, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đội ngũ doanh nhân được xem là trung tâm trong cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm xã hội, bởi họ chính là đội ngũ lãnh đạo, quản lý điều hành doanh nghiệp. Bởi vậy, cần nhận thức, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân chính là thước đo, là tiêu chí để nhìn nhận về đạo đức, văn hóa trong kinh doanh. Trách nhiệm xã hội không chỉ là việc bắt buộc phải thực hiện mà tiến tới cần được thực hiện một cách chủ động, tự giác.

Đồng thời cần xem xét việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân không phải là một khoản chi phí mà đó chính là cơ hội đầu tư để xây dựng thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh của doanh nhân Việt Nam. Khi đề cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh là cốt lõi, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân sẽ được cụ thể hóa thành các hoạt động, chương trình gắn liền với quá trình sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục