Phải từ gia đình

- Sách là người bạn kỳ diệu, người thầy vĩ đại của mỗi chúng ta bởi đọc sách là để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn của mỗi con người. Văn hóa đọc sách được hình thành từ 3 yếu tố chủ yếu là thói quen đọc sách, đam mê đọc sách và kỹ năng đọc sách. Thói quen đọc sách được coi là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên văn hóa đọc.

Trong nhiều nghiên cứu đã chứng minh, gia đình có vai trò quyết định đối với việc hình thành thói quen đọc sách đối với mỗi người. Cùng với sự ra đời của Internet, việc hình thành thói quen đọc sách trong gia đình cũng gặp nhiều trở ngại. Không ít cha mẹ, ông bà thay vì mua sách cho trẻ đọc, hướng dẫn trẻ đọc sách lại đưa cho con mình chiếc điện thoại thông minh. Ở nhiều gia đình, suy nghĩ hình thành một kệ sách, góc đọc sách, phòng sách trong nhà đôi khi không được chú trọng bằng việc thiết kế một tủ trưng bày rượu hoặc một chiếc tủ, kệ để trưng đồ.

Theo một khảo sát ở Pháp đã cho thấy, việc đọc sách được kế thừa từ truyền thống của gia đình từ thời thơ ấu, 20% người Pháp có cha mẹ không bao giờ đọc sách là những người không đọc sách, 36% người Pháp có đam mê đọc sách có cha mẹ thường xuyên đọc sách.

Một người bạn của tôi có con hiện đang du học bên nước ngoài kể rằng, ngay từ khi con còn rất nhỏ, chưa biết mặt chữ, chị đã chọn và mua cho con những cuốn sách là các bộ tranh ảnh ngộ nghĩnh về khám phá thế giới để cho con tập làm quen với sách. Khi con lớn hơn một chút thì trong nhà chị, ở trên bàn, ghế, phòng khách, phòng ngủ, chỗ nào cũng đặt từ 1 đến 2 quyển sách để khi rảnh rỗi, con có thể đọc sách trong khoảng từ mươi đến mười lăm phút mỗi ngày. Thói quen đọc sách cứ thế được hình thành khi cuối tuần không phải giảng dạy chị lại cùng con đọc sách. Con chị khi đi học đại học và du học, nhà trường áp dụng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cũng đi liền với việc phải tự đọc là chính, con chị cũng không gặp khó khăn gì nhiều bởi thói quen đọc sách và kỹ năng đọc đã được hình thành từ rất sớm.

Cùng với nhà trường, xã hội, gia đình chính là cái nôi để hình thành, nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách của mỗi người. Ông bà, cha mẹ cần nêu gương đọc sách để từ đó dẫn dắt, định hướng và tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ. Muốn làm được việc này, ngay từ chính trong tư duy của cha mẹ, ông bà phải hiểu về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Từ đó chú trọng đến việc xây dựng không gian kích thích niềm say mê đọc sách của trẻ như xây dựng tủ đọc sách, kệ sách, phòng đọc sách, góc đọc sách thư viện nhỏ…trong gia đình, dành thời gian đọc sách cùng con, cháu hàng ngày, hàng tuần.
Khi mỗi người đã hình thành được thói quen đọc sách từ gia đình thì việc đọc sách cũng sẽ trở thành nhu cầu tự thân, đọc sách một cách chủ động chứ không phải bị ép buộc và như vậy, niềm đam mê đọc sách mới có sức lan tỏa.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục