Phủ ngập không gian núi rừng
Ngô Bá Hòa là một trong những nhà thơ vinh dự là đại biểu dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022. Là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số, anh đã có đóng góp tích cực vào dòng chảy của văn học miền núi. Ngay từ khi bước vào thi đàn, chàng thi sỹ gốc Lạng Sơn hiện diện là cây bút trẻ của những tâm tình miền núi. Thơ anh mộc mạc mà sâu lắng, thâm trầm mà sâu sắc. Đằng sau những điều giản dị ấy, người đọc nhận thấy một tâm hồn nóng rẫy cảm xúc với những khát khao giằng xé.
Những hình ảnh bản làng, dòng sông, con suối, cánh đồng, ngọn núi đến những sắc phục dân tộc, điệu Then… tựa như một mạch ngầm trong trẻo chảy vào các thi phẩm của chàng trai Tày. Những vần thơ ấy như cơn gió tưới mát tâm hồn người con xa quê: “Tôi lớn lên mang hình cánh đồng/Rộng trong tim và sâu trong mắt/Mẹ vẫn về trong lời gió hát/Em lớn lên trên ngọn cỏ non” (Cánh đồng cỏ úa).
Chân dung nhà thơ Ngô Bá Hòa.
Những câu thơ viết về quê hương mình, về những cảnh, những tình trong thơ Ngô Bá Hòa là cách cảm, cách nghĩ, cách nói của chính những người dân miền núi. Đó là cách tư duy theo mạch thẳng, ít khi lắt léo, rối rắm: “Nhóm ngày vào bếp lửa/Rực lên ánh hoàng hôn/Khói hay sương/Sương hay khói/Thật thà như lời nói/Người vùng cao” (Hoàng hôn trên bản).
Âm điệu của câu thơ này mềm mại, đượm vẻ khiêm nhường. Giới thiệu mình với mọi người bằng một vẻ bé nhỏ như không có gì đặc biệt cả - đó là cách ứng xử đáng quý và đáng trân trọng của con người nơi vùng cao xa xôi. Dường như, được sống nhờ rừng, lớn lên từ rừng, mọi suy nghĩ của anh không bùng lên như lửa mà đằm thắm, nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng dai dẳng. Với anh là người ở rừng lâu có thể biết được cơn mưa rừng đang tới, cơn lũ rừng sắp qua, hiểu được những âm thanh của rừng già theo cái cách chỉ có người miền núi mới biết: “Ta hái hoa đầy tay/Hương rừng làm chiều lịm say/Làm hoàng hôn chất ngất/Em về còn dấu mặt/Ta nhận ra em bởi chút hương rừng”. (Hương rừng).
Những vần thơ giản dị trên được viết bằng một tư duy thơ đặc sắc, tạo nên một nét sáng tạo mang dấu ấn riêng của thơ miền núi hôm nay: “Xa xa hai dáng lưng cong/Lưng mẹ, lưng đá uốn còng như nhau/Cùng chung xám rạm một màu/Cùng mưa nắng chịu, dãi dầu gió sương” (Giấc mơ trên lưng).
Viết thơ nuôi mẹ
Có năng khiếu thi ca từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Ngô Bá Hòa về công tác tại Tạp chí Văn hóa các dân tộc (Hà Nội). Hiện nay, anh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lạng Sơn, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Anh Ngô Bá Hoà tâm sự, anh sinh ra tại một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Cuộc sống vất vả nơi thôn quê khiến những đứa trẻ vùng cao phải bươn chải phụ giúp cha mẹ từ khi còn nhỏ. Sau mỗi buổi lên lớp, Ngô Bá Hòa phụ giúp cha mẹ bằng cách dẫn trâu vào bìa rừng chăn thả.
Cuộc sống cơ cực chốn thôn quê đã đưa Hòa đến với thơ từ rất sớm, vì đó là nơi có thể giãi bày những tâm tư tình cảm, những ước mơ tha thiết của mình. Yêu thích môn văn, chàng trai này đã tìm được cho mình một chút vốn liếng câu chữ và niềm đam mê bất tận cùng thi ca.
Anh Hòa kể, có lần mải mê viết thơ, anh để trâu ăn hết một phần nương ngô của người làng, con trâu bị họ bắt nhốt, gọi bố mẹ đến phạt vạ để chuộc trâu. Hay có lần vào mùa giáp hạt năm 2002, những hạt gạo cuối cùng đã cho vào nồi nấu bữa trưa, mẹ ngồi thừ người vì không còn tiền mua gạo, mua rau cho bữa cơm tối. Nỗi lo hằn sâu trên gương mặt mẹ. Bỗng nhiên có tiếng người gọi ở ngoài cổng, thì ra đó là bác bưu tá của xã. Bác cười rất tươi nói với chàng thi sỹ bé nhỏ: “Cháu có thơ đăng báo kia à. Họ gửi tiền cho cháu đấy”. Hòa sung sướng cầm tờ giấy lĩnh tiền mà cứ ngỡ đó là giấc mơ. Bài thơ được trả nhuận bút 60 nghìn đồng và nhờ nó mà mẹ đã mua được 20 kg gạo. Mẹ Hòa nước mắt rưng rưng ôm cậu con trai hiểu chuyện vào lòng. Cả gia đình cứ như thế nương tựa, tiếp thêm động lực cho nhau vượt qua những năm tháng gian nan, nhọc nhằn.
Xúc cảm miền núi, tuổi thơ khốn khó như ngọn lửa tiếp thêm tinh thần thi ca cho chàng trai năm ấy. Để rồi giờ đây sống ở thành thị thế nhưng hồn thơ của anh vẫn luôn phảng phất nơi nương ngô, bờ suối, ngọn đồi…. Không chỉ dừng lại ở những sáng tác thơ tự do, nhà thơ trẻ người Tày còn thử sức ở nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, bút ký, kịch bản văn học. Đặc biệt, Ngô Bá Hòa còn sáng tác thơ truyện bằng cả tiếng Tày - Nùng… Hiện nay, anh đã xuất bản 4 tập thơ: Lớp học mùa mưa (2009), Cánh đồng cỏ úa (2014 tái bản 2020), Miên Linh (2019) và Đôi mắt Sana (2022).
Trong quá trình sáng tác, thi sỹ người Tày 8x đã đạt được các giải thưởng: Giải thưởng Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn năm 2009 và năm 2014, giải thưởng Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014, giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, giải thưởng bút trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam, giải Ba cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” do Ban Văn hóa - Văn nghệ VOV6 và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức năm 2022.
Hơn 10 năm qua, Ngô Bá Hòa đã tích cóp, rèn giũa và có cho mình những chất liệu riêng biệt trong mỗi sáng tác thơ. Anh từng tâm sự, “mỗi nơi tôi đi, mỗi hành trình tôi đến nơi vùng núi xa xôi, lại là những nét chấm phá riêng biệt trong những sáng tác của tôi. Đó là mạch nguồn trong trẻo để tôi được thỏa thích đắm chìm, thanh lọc tâm hồn mỗi khi mệt nhoài với những xô bồ, bon chen nơi phố thị phồn hoa”.
Gửi phản hồi
In bài viết