Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người được tiêm và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêm chủng không được đầy đủ, đúng định kỳ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khiến tỷ lệ tiêm vắc-xin không đạt được như mong muốn. Điều này đã tạo ra “lỗ hổng” miễn dịch khiến bệnh lây lan. Đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt chỉ tiêu phần lớn thuộc các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo các nhà chuyên môn, để lấp được “lỗ hổng” trong tiêm chủng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc tiêm chủng; cần giám sát để đảm bảo trẻ em được sinh ra phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Bên cạnh đó linh hoạt thời gian tiêm phù hợp với thời gian làm việc và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đối với những người đi làm, người già và trẻ nhỏ. Có thể cung cấp dịch vụ tiêm chủng tại nhà đối với những người khó khăn trong việc di chuyển... để đạt được kết quả cao nhất.
Chính phủ đã có nhiều văn bản ban hành tháo gỡ việc bảo đảm kinh phí mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng là ngành Y tế phải quản lý được đối tượng, tăng cường công tác quản lý, giám sát đối tượng tiêm chủng, từ đó rà soát nhu cầu để đề xuất với trung ương phân bổ vắc-xin kịp thời, đảm bảo việc tiêm chủng đủ liều, đúng lịch, hiệu quả, giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết