Mở đầu bài phú, tác giả viết “Đặc khí thiêng liêng; nhiều nơi thanh lạ. Non Xuân Sơn cao thấp triều tây; sông Lôi thủy quanh co nhiễu tả; ngàn tây chìa cánh phượng, dựng thửa hư không; thành nước uấn hình rồng, dài cùng dãy đá. Đùn đùn non yên ngựa, mấy trượng khỏe thê kim thang; cuồn cuộn thế con voi, chín khúc bền hình quan tỏa...”.
Đây là sự khái quát hóa rất cao phong cảnh Đại Đồng, nó được viết trong bối cảnh “Lúc Gia quốc công trấn thủ Đại Đồng, có mời văn sĩ đến, bảo làm bài phú “Phong cảnh (Đại Đồng)” bằng quốc âm, bài phú của Nguyễn Hàng người xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi chiếm giải nhất, được tặng 2.000 lạng bạc...” (trang 415 - 416 Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn NXB VHTT 2007).
Ở đây có hai thông tin rất cần làm sáng tỏ: Gia quốc công là ai? Ông mời mọi người đến Đại Đồng vào năm nào? Để làm rõ hai thông tin trên ta lại phải bắt đầu từ những trang lịch sử và địa chí cổ của nước ta và Trung Quốc viết về vùng đất này.
Các bộ sử, địa chí lớn của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng (VSCMTY), Kiến văn tiểu lục (KVTL) và Đại Việt thông sử (ĐVTS) của Lê Quý Đôn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn (KĐ), rồi Minh Thực Lục (MTL) của Trung Quốc... các sách đều viết về cuộc chiến tranh NAM - BẮC TRIỀU giữa nhà Lê và nhà Mạc từ năm 1527 đến năm 1592. Trong đó các sách đều viết về vai trò của anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật “Phù Lê diệt Mạc”, trấn thủ Tuyên Quang suốt 65 năm như thế nào?.
Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật là hai anh em ruột, quê ở làng Ba Đông huyện Gia Phúc, nay là xã Ba Đông, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sau một lần giết chết tên cường hào ở địa phương, hai anh em chạy lên suối Khổng huyện Lập Thạch, nay thuộc huyện Sơn Dương Tuyên Quang lánh nạn và tập hợp lực lượng. Sau đó hai anh em lại chạy lên châu Thu Vật của Tuyên Quang, do diệt tên thổ tù độc ác, giành quyền lãnh đạo, lại có công đánh cướp, ổn định tình hình ở vùng Đại Đồng, nên được giao cho những chức vụ quan trọng.
Vũ Văn Mật “được vua Chiêu Tông giao cho chức Tổng binh ở Tuyên Quang” (trang 414 KVTL). “Hồi đầu niên hiệu Nguyên Hòa (Lê Trang Tông 1533 - 1548) ,Vũ Văn Mật giữ trọn được cảnh thổ, ra sức chống cự với nhà Mạc, tự đóng quân ở Đại Đồng... Lúc Gia quốc công trấn thủ ở Đại Đồng, có mời văn sĩ đến bảo làm bài phú Phong cảnh Đại Đồng...”, (trang 414 KVTL). Như vậy Gia Quốc công trong KVTL của Lê Quý Đôn chính là Vũ Văn Mật.
Tại Tuyên Quang hai anh em đã tổ chức được một đội quân hùng hậu theo nhà Lê, vì thế năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã có quân đánh nhà Mạc ngay. Đến “ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 (tức 9-10-1537) Vũ Văn Uyên đã có 10.000 quân” (MTL trang 199 tập 3, NXB Hà Nội 2010). Còn theo ĐVSKTT thì “Binh bản bộ của Văn Uyên có đến mấy vạn người, cho nên trong khi ở miền xuôi các phe phái xung đột nhau để dẫn đến việc họ Mạc cướp ngôi, thì Văn Uyên vẫn giữ vững cả miền Tuyên Quang” (trang 631 tập 2 NXB GD - 2004).
Theo Trung tướng Hoàng Châu Sơn của QĐNDVN, một vạn quân thời đó “tương đương một sư đoàn bộ binh chủ lực đủ trong chống Mỹ cứu nước”, còn “Mấy vạn quân” tức là hai đến ba sư đoàn chủ lực. Với tài dụng binh theo “Phép hào sư, lấy luật dụng binh” (Đại Đồng phong cảnh phú) cộng với một đội quân hùng hậu như thế, đóng ở 05 thành, 11 doanh nên “Hồi đầu niên hiệu Nguyên Hòa” (1533) lần thứ nhất nhà Mạc đánh lên Tuyên Quang (MTL trang 199 tập 3 NXB HN 2010), mấy năm sau ba lần nữa đánh vào đại bản doanh của họ Vũ ở trấn lỵ Đại Đồng, nhưng cả bốn lần nhà Mạc bị anh em và con cháu Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đánh bại và “Giữ trọn vẹn cảnh thổ” Tuyên Quang, khiến nhà Mạc không thể chiếm nổi Tuyên Quang (trang 414 - KVTL NXB VHTT 2007). Không những thế Vũ Văn Mật còn cho quân đánh chiếm ba phủ là Lâm Thao, Đoan Hùng và Đà Dương của Sơn Tây, Đồng Hỷ của Thái Nguyên và châu Mai của Hưng Hóa, của nhà Mạc, khiến nhà Mạc phải chịu để họ Vũ cát cứ Tuyên Quang mà chống lại chính nhà Mạc.
Theo ĐNNTC Năm 1546 Vũ Văn Uyên mất, năm 1547 em ông là Vũ Văn Mật lên thay. Sau đó, Vũ Văn Mật đã chuyển đại bản doanh từ thành Nghị Lang ở châu Lục Yên của Tuyên Quang về xã Đại Đồng ở châu Thu Vật, vốn là trấn lỵ của Tuyên Quang từ thời Trần Nhân Tông. Với tài “Kinh bang tế thế”, của một vị tướng tài, ngoài việc chuẩn bị binh, lương sẵn sàng đánh quân Mạc, Vũ Văn Mật còn cho sưu tập dân tứ tán về phát triển nông, lâm nghiệp, mở mang ngành nghề như làm gốm, khai thác lâm, nông thổ sản, xây dựng, mở rộng giao thương đường bộ, đường thủy với dưới xuôi... chợ Đại Đồng buôn bán lâm sản ngày càng sầm uất; các nghề thủ công phát triển mạnh ở phường Đại Đồng; phần lớn thương nhân đến buôn bán ở Đại Đồng và phố Cát; các thi sĩ cũng từ mọi nơi kéo đến Đại Đồng sinh sống... Theo Lê Quý Đôn “Xem bài phú này cũng có thể biết được sự thịnh vượng lúc bấy giờ” (KVTL trang 417).
Ở Tuyên Quang nay còn truyền tụng câu thơ lục bát “Ai lên phố Cát, Đại Đồng, hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa? Có chồng từ thưở năm xưa, năm nay chồng bỏ nên chưa có chồng” không biết ai làm, có từ bao giờ, cho thấy văn nghệ sĩ đã sinh sống ở vùng Đại Đồng, một trung tâm lớn kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội lớn bậc nhất của Tuyên Quang thời đó. Không chỉ thời của Vũ Văn Mật trấn thủ Đại Đồng, đưa phong cảnh Đại Đồng vào phú, mà mấy trăm năm sau, năm 1861, quan Tri phủ phủ Yên Bình, sau đó làm Bố chính Tuyên Quang, TS nho học Đặng Xuân Bảng đã đưa Đại Đồng vào vào “Tuyên Quang tỉnh phú”; rồi đến năm 1920 quan Án sát Tuyên Quang là TS Nguyễn Văn Bân lại phải đưa Đại Đồng vào “Tuyên Quang phong thổ ký” để ca ngợi sự giàu đẹp của vùng đất này, cả ba tác phẩm “Đại Đồng phong cảnh phú” “Tuyên Quang tỉnh phú”, “Tuyên Quang phong thổ ký” còn mãi trong kho tàng văn hóa của cả nước và Tuyên Quang đến tận ngày nay.
Như vậy trong vòng 24 năm (từ 1547 đến năm 1571) Vũ Văn Mật trấn thủ Đại Đồng, thì Đại Đồng và toàn bộ tỉnh Tuyên Quang hoàn toàn yên bình, đúng như tên phủ An Bình (Yên Bình) mà nó được đặt ra dưới thời Hậu Lê. Trong 24 năm kinh tế ngày càng phát triển, trật tự xã hội được quản lý theo luật Hồng Đức, nhà Mạc không bén mảng được đến Tuyên Quang... đây chính là thời điểm Nguyễn Hàng cho ra đời thiên bút trác tuyệt “Đại Đồng phong cảnh phú” nổi tiếng đến ngày nay.
Vậy Đại Đồng của Thu Châu có từ bao giờ? ở đâu trên đất Tuyên Quang xưa và nay?
Theo sách ĐVSKTT tập 1 (trang 612 - 613 - 614 NXB GD 2004), thời vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) Tuyên Quang chưa có tên trong sử sách. Sang thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293), mãi đến năm 1285 tên Tuyên Quang mới xuất hiện, rồi chính thức được ghi vào lịch sử. Đây là thời kỳ Nhà Trần có nhiều cải cách về hành chính, Nhà Trần đặt “Dưới phủ, lộ là các châu, huyện, xã; ở trung du và miền núi, hành chính cấp cơ sở gọi là Động, Sách là cấp cuối cùng trong hệ thống các đơn vị hành chính ở địa phương” (trang 51 Tổng quan về lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam NXB Chính trị quốc gia 2015).
Năm 1285, khi giặc Nguyên Mông đánh vào nước ta lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông đã giao cho Chiêu văn vương “Trần Nhật Duật trấn thủ các lộ Tuyên Quang chặn giặc” (ĐVSKTT tập 1 trang 613 - 614 NXB GD 2004). Bài minh trên chuông “Bạch Hạc thông thánh quán” (Thơ văn thời Lý - Trần trang 621 đến 632 tập 2 NXB KHXH 1989) cũng viết “Cuối đời Thiệu Bảo, ông giữ trại Thu Vật - Trại là đơn vị hành chính ở các vùng xa Trung ương, Kinh là đơn vị hành chính ở trung ương và gần trung ương.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 và Địa chí Lào Cai sau này, Tuyên Quang từ thời Trần sang thời Lê bao gồm châu Thủy Vĩ của Lào Cai, một phần phía tây Hưng Hóa của Phú Thọ, châu Thu Vật và Lục Yên của Yên Bái, toàn bộ Tuyên Quang, Hà Giang và châu Bảo Lạc Cao Bằng ngày nay. Tuyên Quang thời Thiệu Bình của vua Lê Thái Tông (1434 - 1440) gồm 1 lộ phủ, 1 thuộc huyện, 5 châu, 282 xã, trong đó Thu Vật là một châu trong năm châu thuộc Phủ An Bình của Tuyên Quang, trong châu Thu Vật đã có xã Đại Đồng vốn là động Đại Đồng từ thời Trần.
Châu Thu Vật và xã Đại Đồng nằm ở phía Tây Tây Bắc của Tuyên Quang, bên bờ tả ngạn sông Chảy (mà “Đại Đồng phong cảnh phú” viết là sông Lôi thủy) là một chi lưu của sông Lô, hai địa danh này nằm trong huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái ngày nay, chứ không phải nằm trong địa giới Tuyên Quang bây giờ!
Theo địa chí cổ, châu Thu Vật có Thác Ông, Thác Bà cung cấp nguồn nước cho sông Lôi Thủy (sông Chảy), khiến Đại Đồng thuận lợi về giao thông đường thủy, tiện cho việc buôn bán giữa đồng bằng và miền núi, dễ chuyển quân lương bảo vệ biên giới phía tây tây bắc của nước ta, ở đây có những cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu, đông dân cư, là vựa lúa lớn nhất tỉnh Tuyên Quang thời bấy giờ.
Năm 1435 châu này có 55 xã, trong đó có xã Đại Đồng. Đến năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho vẽ định lại bản đồ 12 thừa tuyên, thì châu Thu Vật chỉ còn 40 xã, trong đó vẫn có xã Đại Đồng. Năm 1547 khi Vũ Văn Mật chuyển đại bản doanh từ thành Nghị Lang về Đại Đồng, trung tâm của của tỉnh Tuyên Quang thời đó để chống Mạc, chỉ là trở về với trấn lỵ của Tuyên Quang vốn đã có từ thời Trần, một vùng trù phú, giàu có bậc nhất của Tuyên Quang mà thôi (KĐ trang 84 & 167 tập II - NXB GD 2007). Trấn lỵ này tồn tại suốt từ năm 1285 đời Trần Nhân Tông, đến năm 1722 đời Bảo Thái (đời vua Lê Dụ Tông) tức là sau 437 năm trấn lỵ mới từ Đại Đồng dời về xã Thúc Thủy của Huyện Phúc Yên (tức Hàm Yên), sau này là xã An Khang của TP Tuyên Quang (trang 405, sách KVTL NXB VHTT 2007).
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, từ phủ An Bình đổi tên thành phủ Yên Bình, rồi thành huyện Yên Bình; châu Thu Vật đổi thành Thu Châu, rồi lại đổi thành Châu Thu, nhưng tên Đại Đồng vẫn không đổi, vẫn thuộc Tuyên Quang. Mãi đến năm 1956, khi trung ương quyết định chia tách tỉnh, huyện Yên Bình, trong đó có Đại Đồng, huyện Lục Yên của Tuyên Quang xưa mới sáp nhập về tỉnh Yên Bái. Quyết định này chấm dứt 671 năm (từ 1285 đến 1956) Đại Đồng thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Năm 1964, khi nhà nước xây dựng thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã cho di dời 37/39 xã của hai huyện là Yên Bình và Lục Yên (trong đó có xã Đại Đồng), Sau khi di chuyển dân đến nơi mới, có 9 xã được mang tên cũ, trong đó có xã Đại Đồng. Xã cũ Đại Đồng trong bài phú nôm “Đại Đồng phong cảnh phú” của Nguyễn Hàng và phần lớn châu Thu Vật, châu Lục Yên xưa, ngày nay đều nằm dưới lòng hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái mất rồi, nhưng nó vẫn tồn tại trong lòng những người yêu Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết