Tác phẩm Ma làng trong luận văn tốt nghiệp

-Ma làng là tiểu thuyết xuất sắc về đề tài nông thôn miền núi của nhà văn Trịnh Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Tân Trào, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2005, cuốn tiểu thuyết Ma làng của ông được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải B (năm đó không có giải A). Năm 2007, bộ phim Ma làng lên sóng trong khung giờ vàng VTV1 gây được tiếng vang lớn.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong với tiểu thuyết nổi tiếng Ma làng.

Chính tác phẩm Ma làng nổi tiếng đến nỗi người ta gọi nhà văn Trịnh Thanh Phong là “ông Ma làng”. Tên tiểu thuyết như một thông điệp sâu sắc và nội dung thì ngồn ngộn những vấn đề cần mổ xẻ. Chính cái hay, cái hấp dẫn đó khiến gần chục sinh viên, nghiên cứu sinh chọn tiểu thuyết Ma Làng làm đề tài luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ.

Luận văn Thạc sỹ Ngữ văn của tác giả Hoàng Thị Thúy Ngà, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên với chủ đề “Đặc điểm tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong” khẳng định, mục tiêu của đề tài là đánh giá giá trị của tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong, từ đó khẳng định cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ việc nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong là cơ sở khoa học để khẳng định xu thế vận động, cách tân của văn xuôi Việt Nam viết về đề tài nông thôn trước và sau đổi mới 1986, đóng góp một tài liệu tham khảo cho công tác dạy và học phần văn học địa phương trong nhà trường.

Tác phẩm Ma làng được dựng lên bằng những trải nghiệm thực tế của tác giả nơi làng quê mình ở. Chính những trải nghiệm thực tế ở một làng quê cụ thể cộng với sự trải nghiệm cuộc sống của mình, tác giả đã sáng tạo ra thế giới nhân vật cũng như cuộc sống thôn quê trong tác phẩm. Như khi nói về việc xây dựng nhân vật Tòng - nhân vật tiêu biểu cho cái ác, nhà văn nói: “Khi xây dựng nhân vật này, ngoài những mẫu hình của cái ác ngoài đời mình vẫn gặp, tôi cũng phải tổng hợp, thống kê để chắt lọc và lựa chọn lấy những nét tiêu biểu nhất của cái ác để thổi vào nhân vật Tòng”.

Còn tác giả Bùi Vân Anh, trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội thì thích thú chọn luận văn thạc sỹ với chủ đề “Vấn đề nông thôn trong tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong”. Tác giả cho rằng, nội dung chính của tác phẩm Ma làng là đằng sau việc miêu tả những mâu thuẫn dai dẳng, sự tranh chấp, đố kỵ giữa làng trên xóm dưới, tộc này họ kia chi phối đời sống nông dân, đằng sau những mánh khóe hiểm ác những mưu mô toan tính của những người có thế lực, có quyền thế, lợi dụng đúng chỗ đứng của mình để thu lợi.

Tác phẩm đã phản ánh được thực trạng khá đau đớn vẫn còn diễn ra trong đời sống tinh thần của một số làng quê nông thôn. Cái làm nên sức hấp dẫn của Ma làng là ở tấm lòng của tác giả, ở cái nhìn xã hội vừa nghiêm khắc vừa hiền lành đôn hậu của nhà văn. Tuy luôn day dứt, trăn trở trước những số phận, những cảnh đời, mảnh đời vụn vỡ, nhưng tác giả không bao giờ thỏa hiệp với cái xấu. Vì vậy, chọn đề tài “Vấn đề nông thôn trong tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong” người viết muốn góp một tiếng nói nhỏ để khẳng định cá tính sáng tạo của nhà văn, những đóng góp của nhà văn vào xu thế vận động, cách tân của văn xuôi Việt Nam.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong trò chuyện với sinh viên trường Đại học Tân Trào về tiểu thuyết Ma làng.

Đã có rất nhiều luận văn tốt nghiệp làm về tác phẩm Ma Làng của Trịnh Thanh Phong, song sinh viên Đỗ Thị Thanh Luyến, trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội vẫn chọn triển khai đề tài với chủ đề “Hiện thực làng quê qua hai tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong - Ma làng và Đồng làng đom đóm”.  Tác giả cho rằng, trong lịch sử văn học Việt Nam, đề tài nông thôn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, hiện thực ghi danh nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Mỗi thời kỳ tùy theo hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội mà nông thôn được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trong hàng loạt những tác phẩm văn xuôi viết từ sau đổi mới về đề tài nông thôn Việt Nam, Ma làng và Đồng làng đom đóm của Trịnh Thanh Phong đều là những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc. Với phương châm sáng tác của riêng mình tác giả đã thành công hơn cả ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác giả đã phản ánh rõ nét hiện thực làng quê Việt Nam trước đổi mới và sau đổi mới; giải mã tính cách, nét văn hóa của người Việt và những thứ cần giữ và cần loại bỏ để phát triển bền vững, nhân văn.

Có lần nhà thơ Hữu Thỉnh nêu ý kiến, một nhà văn sống ở miền núi Tuyên Quang mà làm nên được một Ma làng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, rõ ràng đây không chỉ là thành công riêng của Trịnh Thanh Phong mà còn là đóng góp của văn học nước nhà cho công cuộc đổi mới. Điều đó cho chúng ta thấy rằng: “Nhà văn chỉ có khoảng cách về chỗ ở chứ không có khoảng cách trong sáng tạo”.

Có thể nói với khoảng gần chục luận văn cử nhân, thạc sỹ làm về tác phẩm Ma làng cho thấy sức hút của tiểu thuyết này. Chắc chắn trong tương lai vẫn còn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh tâm đắc “mổ xẻ” tiếp tiểu thuyết Ma làng ở nhiều góc cạnh; lột tả hết chiều sâu sáng tác, nội dung, tư tưởng, tính thời đại của tác phẩm.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục