Kiểm soát cảm xúc

- Bạo lực học đường thể hiện ở nhiều hình thức và từ đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, gây gổ, đánh cãi nhau đối với học sinh trong nhà trường. Nhưng trong chuyên mục này, tôi chỉ muốn kể một câu chuyện mà tôi cho rằng nguyên nhân của nó liên quan việc kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc của bản thân bị hạn chế dẫn đến xảy ra bạo lực học đường.

Ngày còn học phổ thông, lớp tôi có một bạn nam học giỏi. Chúng tôi hồi đó thường hay chơi thân theo nhóm. Nhóm đó thường đến nhà nhau ôn bài vào buổi chiều, cũng tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của lớp, của trường. Riêng bạn nam học giỏi kia thì hầu như ít chơi với nhóm bạn nào và cũng ít tham gia vào hoạt động chung của lớp. Ngoài ấn tượng học giỏi thì tôi còn nhớ bạn ấy là người rất cục tính, thậm chí có vài lần đánh bạn trong lớp. Bạn nam ấy rất khó gần, khó nói chuyện, không hay chia sẻ với bạn bè, hay nổi cáu nếu như không vừa ý điều gì nên chúng tôi coi đó là người lập dị của lớp. Mãi sau này tôi mới biết hoàn cảnh của bạn ấy: Bố bỏ đi, mẹ bạn ấy đi làm xa nên bạn ở cùng ông bà ngoại.

Theo các chuyên gia, trẻ em có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại... Người bạn tôi kể trên là người học giỏi, thông minh thì chắc chắn có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số cảm xúc EQ thì ngược lại.

EQ và IQ là hai thước đo chỉ số về cảm xúc và trí thông minh của một con người. IQ là chỉ số thông minh của não bộ con người. EQ là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Vì vậy, EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó. Những người có EQ cao thường là những người có khả năng chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống. Họ còn là người giàu tình cảm, biết tiết chế cảm xúc của bản thân và dễ thông cảm với người khác.

Để học sinh kiểm soát được hành vi, cảm xúc, góp phần hạn chế bạo lực học đường thì học sinh cần được giáo dục, định hướng, xử lý trong từng tình huống cụ thể. Mỗi gia đình thường xuyên đồng hành cùng con trên bước đường phát triển chỉ số thông minh và cảm xúc, tạo điều kiện cho con tham gia các lớp kỹ năng phù hợp lứa tuổi, khuyến khích con đến với các sân chơi mang tính đội nhóm tập thể và kích thích sự sáng tạo. Các con cần được lắng nghe và chia sẻ, được sống trong môi trường lành mạnh, nhân ái để trở thành một con người toàn diện sau này.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục