Tuy nhiên, XKLĐ cũng có nhiều hệ lụy. Lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về, có được một khoản thu nhập tương đối. Nhưng do không định hướng được nghề nghiệp, không có việc làm ổn định nên một thời gian sau số tiền tích cóp từ đi xuất khẩu lao động bị hao hụt và hết dần. Thậm chí có những gia đình, cuộc sống đang bình thường, nhưng sau một thời gian kể từ khi chồng (hoặc vợ đi xuất khẩu lao động) lại xảy ra nhiều bi kịch trong cuộc sống gia đình, dẫn đến vợ chồng chia tay, con cái thất học…
Đã có người chua chát rằng, làm giàu từ XKLĐ thì thấy rõ, nhưng cũng thấy nhiều gia đình có tiền lại bị hao hụt hoặc mất đi hạnh phúc. Bởi có trường hợp khi có nhiều tiền từ việc ra nước ngoài làm thuê, khi đã thoát khỏi cảnh nợ nần, thì quay ra đổ đốn, hư hỏng. Có trường hợp vợ đi XKLĐ, chồng ở nhà lấy vợ khác; hoặc vợ đi gửi tiền về nuôi con, chồng ở nhà lại sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, bồ bịch, đến khi vợ về thì tiền hết dẫn đến mâu thuẫn…
Những hệ lụy đáng buồn này có nguyên nhân chủ yếu do đi xa lâu ngày, bị ảnh hưởng bởi lối sống, tập quán của người nước ngoài, dẫn đến khi về lại quê nhà thì tư duy, lối sống đã thay đổi. Ngoài ra còn do thiếu sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp XKLĐ đối với lao động trở về để tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập thị trường.
Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc quản lý công tác xuất khẩu lao động. Cần tránh tình trạng chỉ chú trọng đến việc đưa được nhiều lao động đi xuất khẩu, mà chưa quan tâm đúng mức những vấn đề liên quan; để tránh những hệ lụy đáng buồn.
Gửi phản hồi
In bài viết