Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những quyết định đầu tiên của các bạn trẻ về nghề nghiệp thật không dễ dàng, bởi có thể xuất hiện nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nguyện vọng của cá nhân với nhu cầu nhân lực xã hội; giữa tâm lý của bản thân và mong muốn của phụ huynh và đôi khi mâu thuẫn ngay chính khả năng, năng lực của bản thân với giấc mơ quá bay bổng…
Chính vì vậy, đã có rất hiều bạn trẻ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc để cố gắng theo học đại học hoặc những ngành nghề không phù hợp với năng lực của bản thân, không phù hợp với nhu cầu của xã hội dẫn đến thất nghiệp, hoặc làm việc với ngành nghề không đúng với chuyên môn được đào tạo.
Để công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Thực hiện Đề án đã được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và đạt kết quả tích cực. Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội trong việc chọn ngành, nghề.
Tuy vậy, công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong trường phổ thông hiện còn không ít bất cập, hạn chế. Cụ thể như chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp; chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh. Công tác phân luồng học sinh chưa được đẩy mạnh, học sinh sau trung học vẫn chủ yếu mong muốn học đại học...
Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nếu làm tốt sẽ giúp đất nước sử dụng hợp lý tiềm năng lao động trẻ tuổi. Đây chính là ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Là giải pháp góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết