Nghị lực của chàng trai nghèo
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường THPT, Mai Trần Lâm luôn là một cán bộ lớp nhiệt huyết tận tâm và là một “cây văn nghệ” của trường. Thế nhưng vì gia đình khó khăn học xong lớp 12, anh quyết định vào miền Nam làm công nhân. Thời gian đầu vào TP Hồ Chí Minh, anh mang hồ sơ nộp hết công ty này đến công ty khác mà không nơi nào nhận. Bởi nhìn vóc dáng nhỏ bé, gầy gò ai nấy đều ái ngại.
Trong lúc chờ xin việc, anh đi làm phụ hồ rồi công nhân một công ty gạch men. Ngày đầu tiên đi làm anh đã phải khóc vì quá sức. Thế nhưng nghĩ về bố mẹ ở quê nhà, anh lại càng cố gắng bươn bả đủ nghề như công nhân làm giày da, gỗ, may mặc… Anh còn nhớ, tháng lương đầu tiên anh nhận được là 490 nghìn. Sau đó anh tăng ca, làm thêm, tổng cộng được hơn 1 triệu đồng. Anh gửi về nhà 700 nghìn đồng, chỉ cho phép mình chi tiêu trong khoảng 300 nghìn đồng.
Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ chàng trai nghèo quên đi khát khao cháy bỏng, thường trực trong con người mình. Đó là được hát, được đứng lên sân khấu cống hiến tài năng của mình.
Ban ngày Mai Trần Lâm đi làm công nhân, tối về anh làm bồi bàn, rồi đi hát ở các quán cà phê với cát-sê mỗi đêm 10 nghìn đồng. Dần dà khi được khán giả biết đến, anh chuyên tâm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc như: đi hát, làm phòng thu, cho thuê loa đài…
Sau 7 năm ở Sài Gòn, Mai Trần Lâm quyết định thi lại đại học. Ngày nhận giấy báo nhập học Đại học Văn hóa Hà Nội, anh phải đấu tranh rất nhiều với chính mình. Những năm tháng lăn lộn ở miền Nam đã cho anh công việc mang lại thu nhập tốt, mỗi tháng 20 - 30 triệu đồng, một con số không nhỏ vào năm 2010. Chọn ra Hà Nội học đại học, nghĩa là anh phải bắt đầu từ con số 0… Thế nhưng Mai Trần Lâm đã quyết tâm bỏ lại tất cả để chinh phục “giấc mơ con chữ” hàng ngày đến giảng đường đại học. Anh nói rằng: “Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. Đi học, tư duy của mình được mở ra rất nhiều. Cả một thế giới mênh mông bao la mở ra trước mắt tôi, khiến tôi như sống thêm một cuộc đời mới”. Cũng vì thế, sau khi lấy bằng cử nhân, anh lại tiếp tục học lên thạc sĩ.
Thần tượng của những người trẻ
Có nhiều người nói rằng, chính cuộc đời nhiều vất vả, lăn lộn đã khiến cho tiếng hát của Mai Trần Lâm chất chứa nhiều cảm xúc sâu lắng và sự từng trải. Con đường âm nhạc của Mai Trần Lâm cứ bền bỉ tích lũy mỗi ngày bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó của một chàng trai miền núi. Và nỗ lực đó đã từng bước mang lại nhiều thành quả khi clip “Chàng nam sinh hát hay” của anh có tới 17 triệu lượt xem trên YouTube. Và tên tuổi Mai Trần Lâm được nhiều khán giả biết sau đó anh tham gia cuộc thi “Solo cùng Bolero”. Dù không đoạt giải nhưng anh lại là gương mặt nổi bật hàng đầu của sân chơi này, có lượng khán giả ủng hộ đông đảo. Ngay sau khi rời cuộc thi, cát-sê của anh đã tăng gấp vài chục lần.
Mai Trần Lâm trong một cuộc giao lưu, gặp gỡ với người yêu nhạc xứ Tuyên.
Sân chơi “Solo cùng Bolero” là động lực mạnh mẽ để chàng thạc sĩ Văn hóa học quyết tâm bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp và nhanh chóng “phủ sóng” sân khấu cả hai miền Nam - Bắc. Đến nay, anh phát hành nhiều album âm nhạc: “Lá thư triệu đô”, “Đường tình đôi ngả”, “Mưa tình Bolero”, “Bài ca Tết cho em”, phim ca nhạc hành động “Yêu một mình” và nhiều MV phát hành trên kênh YouTube Mai Trần Lâm Official.
Bên cạnh tài năng âm nhạc, Mai Trần Lâm là người con luôn nặng lòng với quê hương. Liên tục nhiều năm liền anh đứng ra vận động ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các điểm trường vùng sâu vùng xa… Anh chia sẻ rằng, với anh quê hương mãi luôn trong tâm hồn, là nguồn động viên, nguồn cảm hứng để anh phấn đấu nhiều hơn. Được trở về quê nhà, cùng với các nhà hảo tâm, đồng nghiệp thực hiện các chương trình thiện nguyện với anh đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.
Mới đây Mai Trần Lâm phát hành ca khúc mang âm hưởng văn hóa Tày với tên gọi “Pí Noọng ơi”. Bài hát do chính anh sáng tác và biểu diễn với lời ca ý nghĩa sâu sắc: Anh em người Tày ta là người tốt thật thà, dù đi muôn vạn nơi xa, nơi đây chính là nhà/Hôm nay về đây cùng bao anh em sum vầy… ơ hờ ơ ta về xây dựng quê hương ta…”.
Dõi theo để thấy, hành trình chinh phục giấc mơ của chàng trai người dân tộc Tày xứ Tuyên là một hành trình bền bỉ, kiên nhẫn và sự khát khao cháy bỏng. Nhiều năm qua, câu chuyện của Mai Trần Lâm đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực khích lệ các bạn trẻ dám sống, dám ước mơ để vươn tới thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết