Châu Vị Long và kế sách Nhu Viễn của nhà Lý ở Tuyên Quang

- Nhu viễn là kế sách mềm dẻo với phương xa để làm yên biên giới. Kế sách này bao gồm cả NHU lẫn CƯƠNG, được áp dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, trên từng địa bàn. Thời Lý, kế sách Nhu viễn được nhiều đời vua áp dụng để bảo vệ vùng biên giới trước hiểm họa nhà Tống, nhà Nam Chiếu ở Trung Quốc tràn sang xâm lược Việt Nam, trong đó có con đường qua Tuyên Quang - Châu Vị Long.

VỊ LONG Ở ĐÂU TRÊN ĐẤT TUYÊN QUANG?

Theo sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc, năm 679 (Thế kỷ 7) sau khi tiêu diệt Nhà Tùy, vua nhà Đường đã cho đổi tên nước ta từ “Giao Châu đô đốc phủ” thành “An Nam Đô hộ phủ”, và chia nước ta thành 25 châu, quận (trang 67 sđd). Lúc này đã có “châu Vị Long, một tên khác gọi là Ất Xá” của Tuyên Quang ngày nay (trang 55 sđd NXBLĐ 2009). Trong sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” GS Sử học Đào Duy Anh  đã viết thời nhà Đường có 40 Châu Ky My, trong đó Tuyên Quang ngày nay đã có 04 châu là Đô Kim, Vị Long, Bình Nguyên và Thường Tân. Gọi là châu Ky My vì đây là các châu ở vùng biên giới, xa sự quản lý của triều đình, do Tù trưởng, Thủ lĩnh các bộ lạc theo chế độ thế tập, truyền đời thay nhau quản lý, dân phần lớn ở trong các hang động, bên sườn núi đá hay các bờ khe suối (trang 103 sđd - NXB VHTT tái bản 2005)  .

Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, GS - TS Sử học Nguyễn Quang Ngọc đã công bố sách “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, trong đó khẳng định “Dưới triều Lý, châu là đơn vị phổ biến nhất”... “thời nhà Lý đã có 52 châu, trong đó có 04 châu của Tuyên Quang là Đô Kim (Hàm Yên), Vị Long (Chiêm Hóa - Nà Hang - Lâm Bình), Bình Nguyên (Vị Xuyên - Hà Giang) và Thường Tân chưa biết ở đâu?” (Vương Triều Lý trang 298 NXB Hà Nội năm 2010).

Ảnh minh họa

Với những tài liệu đã dẫn, chúng ta đủ cơ sở để khẳng định, vào năm 679 đã có tên Vị Long, nó là một trong bốn châu của Tuyên Quang từ năm 679 thời Nhà Đường đến năm 1407 thời Nhà Minh thì Vị Long được đổi thành châu Đại Man. Cùng với Đô Kim, Bình Nguyên, Thường Tân, đây là “Phên dậu thứ ba ở phương tây vậy” (trang 220 Dư địa chí - Nguyễn Trãi toàn tập NXB KHXH năm 1976).

Châu Vị Long có nghĩa là nơi hội tụ, chiếm vị trí quan trọng nhất với triều đình nhà Lý. Nó nằm kề với châu Bình Nguyên (Vị Xuyên) và Thường Tân (Bắc Mê), hai nơi này có nhiều đường qua lại biên giới với Trung Quốc, là cửa ngõ để xuống Thăng Long.

Vị Long có tới 49 động, 15 huyện, rất đông các dân tộc Tày - Nùng thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái, có quan hệ dòng tộc với người Trung Quốc, do “họ Hà có gốc từ thôn Ca Nông, hương Thanh Bách, huyện Hà thuộc Đông Đô châu Ung” (nay là Quảng Tây - Trung Quốc), sang Vị Long từ năm 768 thời Phùng Hưng làm vua, sau 20 năm được giao quản lý 49 động, 15 huyện. Dòng họ này theo chế độ thế tập “Từ Tằng tổ, sau đó lần lượt thay nhau xuống mãi đến Hưng Tông, tất cả 15 đời” làm Thủ lĩnh cai quản châu Vị Long (Thơ văn Lý - Trần I trang 329).

Thời nhà Lý, Vị Long là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội vùng biên, là nơi có 1 trong 16 con đường mà nhà Đường đã mở qua Bình Nguyên để đi vào xâm lược An Nam (trang 51 Sào huyệt nổi dậy của Nùng Chí Cao; trang 90 và 107 Lý Thường Kiệt - Ngoại giao và tông giáo triều Lý - NXB KHXH 2015).

Châu Vị Long là nơi có nhiều động vật quý như Voi, Tê giác, Hổ, báo, Phượng hoàng... là nơi nuôi nhiều ngựa và trâu lớn nhất vùng biên giới An Nam, từ thời nhà Đường đến thời nhà Lý (Vân Đài loại Ngữ - trang 231 NXB VHTT 2006).

Trước thế kỷ thứ 9, Vị Long là nơi buôn bán và trung chuyển ngựa từ đại lý Trung Quốc vào chợ Vị Long, rồi các thương lái lại đưa ngựa của Vị Long sang khu vực các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai ngày nay, từ đây các nhà buôn lại buôn bán, đổi chác ngựa lấy muối và vũ khí với Chân Lạp và Chiêm Thành qua đường Thượng đạo. Việc buôn bán này diễn ra suốt thời nhà Đường đến thế kỷ thứ 9 mới tạm dừng (Hoạt động buôn bán ngựa và chính sách kinh dinh của Nhà Lý ở khu vực Tây Bắc - Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 2 năm 2011, từ trang 30 đến trang 34). 

Sau thế kỷ thứ 9, Vị Long trở lại là nơi có chợ buôn bán ngựa với quốc tế như nước Nam Chiếu (Đại Lý) và nước Tống của Trung Quốc; chợ Vị Long thu hút rất nhiều loại thương lái có bảo trợ của chính quyền các nước bên kia biên giới, có những phiên chợ, số ngựa dùng để buôn bán đổi chác lên tới hàng vạn con (Đại việt sử ký toàn thư I, trang 264 NXB VHTT 2004).

Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, phía Trung Quốc thấy, nếu chiếm được Vị Long, họ có thể tràn vào Tuyên Quang, rồi xuống Bạch Hạc và tiến vào Thăng Long như năm 1789 quân Thanh do Ô Đại Kinh đã từng đi để xâm lược Việt Nam vậy, do đó ngay từ thời Tiền Lê và Nhà Lý, các triều đình phong kiến đã dùng mọi biện pháp để bảo vệ chặt chẽ và vững chắc vùng đất này, không để ngoại bang xâm lược! (trang 196 - 210 - 259 - 280 - 296 - 298 - 312 - 313 - 363 - 364 -  Khâm định An Nam kỷ lược NXB HN 2016).

KẾ  SÁCH “NHU VIỄN” VỚI VỊ LONG

Nhu Viễn gồm những vấn đề lớn như sau:

Một là, nhà nước trung ương tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ các tù trưởng, thủ lĩnh các bộ lạc tham gia bộ máy chính quyền, khi tham gia họ được giao chức tước, ban cấp nhiều bổng lộc và cho hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt để họ phục vụ triều đình.

Hai là, tiến hành kết thân với các tù trưởng, thủ lĩnh địa phương và gả công chúa cho các thủ lĩnh, tù trưởng đó khiến họ trở thành Phò mã hay người của Triều đình, từ đó nhà vua giao cho con rể trách nhiệm bảo vệ biên giới.

Ba là, nếu thu phục không nghe mà lại còn kết bè kéo cánh để chống lại triều đình thì kiên quyết trấn áp. Sau trấn áp thì thay thế bằng thủ lĩnh mới theo chế độ thế tập, lúc đó triều đình lại ban chức tước cho để họ giữ yên biên giới.

Trên tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hóa do Lý Thừa Ân viết năm 1107 ghi rất rõ việc các triều đại trước và sau này là Vương triều Lý đã lôi kéo thủ lĩnh dòng họ Hà ở đây.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư tập I viết, năm 1015 nhà Lý dẹp xong cuộc nổi loạn của Hà Trắc Tuấn ở châu Vị Long. Ngay sau đó, vua Lý Thái Tổ (1009 - 1028) đã gả công chúa thứ ba của mình cho ông nội của Hà Hưng Tông. Bia chùa Bảo Ninh Sùng phúc viết “Ông của Thái phó giữ chức Thái Bảo, lấy công chúa thứ ba của Thái tổ Hoàng đế làm phu nhân. Nhân đó lại được Thái Tổ trao cho chức Hữu đại liêu ban” (trang 329 Văn thơ Lý - Trần tập I NXB KHXH 1977).

Đến năm 1082, đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) tiếp tục thực hiện việc gả công chúa cho Tù trưởng châu Vị Long, coi Tù trưởng như con cái trong gia đình, rồi giao việc quản lý biên giới cho con rể. Sử sách ghi lại rằng “ Năm Nhâm Tuất (1082) mùa xuân, đem công chúa Khâm Thánh gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh (Hà Hưng Tông) (trang 333 ĐVSKTT I).

Đến năm 1180 đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), đời vua thứ bẩy của Nhà Lý, ta lại thấy sử sách xưa ghi lại việc nhà vua gả công chúa cho Thủ lĩnh châu Vị Long, sách Việt Sử lược do GS Trần Quốc Vượng dịch viết “Năm Canh Tý hiệu Trinh phù năm thứ 5 (1180), mùa đông, cho thủ lĩnh châu Vị Long là Hà Công Phụ lấy công chúa Hoa Dương” (trang 157 sđd).

Việc ba đời vua (Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông và Lý Cao Tông) đều gả công chúa cho các Thủ lĩnh châu Vị Long cho thấy Vị Long có vị trí chiến lược quan trọng trên biên giới giữa Đại Việt với Trung Quốc. Nhờ thực hiện việc lôi kéo và gả công chúa cho thủ lĩnh là ông nội Hà Hưng Tông, nên các đời sau của dòng họ Hà này hết lòng phục vụ triều đình và lại được các vua ban thưởng.

Cùng với sự lôi kéo, ban bổng lộc, chức tước cho các thủ lĩnh các châu Ky My, nhà Lý cũng cương quyết trấn áp các thủ lĩnh cố tình không nghe theo lệnh vua, quay lưng cấu kết với người nước ngoài để chống lại triều đình.

Sử viết, từ khi họ Hà được giao làm chủ 49 động ở châu Vị Long, đến năm 999 thời Lê Đại Hành làm vua kéo đến năm 1015 thời Lý Thái Tổ là 17 năm đã có 06 lần ba triều vua đã ban lệnh trấn áp các Tù trưởng họ Hà ở Châu Vị Long. Sách Đại Việt sử ký toàn thư tập I cho biết:

“Năm 999 vua Lê Đại Hành tiến đánh 49 động ở Hà Động” (Hà động là động của họ Hà ở châu Vị Long, trùng với 49 động trong văn bia) (trang 238).

“Tháng 10/1008 vua Lê Ngọa Triều thân đi đánh hai châu Đô Kim và Vị Long” (trang 247). Tháng 12/1012 người Man sang quá cột đồng đến bến Kim Hoa và châu Vị Long để buôn bán. Vua sai người bắt được người Man và hơn 1 vạn con ngựa (trang 264 TT I).

“Mùa đông, tháng 10 năm 1013 châu Vị Long làm phản, phụ theo người Man. Vua (Lý Thái Tổ) thân đi đánh, Thủ lĩnh là Hà Trắc Tuấn sợ đem cả đồ đảng trốn vào rừng núi” (trang 265).

“Giáp Dần (1014) Mùa xuân tháng giêng, tướng của người Man (Đại Lý - Trung Quốc) là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn bày quân dinh, gọi là trại Ngũ Hoa. Châu Mục châu Bình Lâm (Bình Nguyên) là Hoàng Ân Vĩnh đem việc ấy tâu lên. Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém được hơn vạn đầu bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết” (trang 265).

“Ất Mão (1015) tháng 2 xuống chiếu cho Dực Thánh vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên bắt được thủ lĩnh Hà Trắc Tuấn đem về Kinh sư, chém đầu đem bêu ở chợ Đông” (trang 267 TT I).

Qua đây ta thấy, trong các năm 999, 1008, 1012, 1013, 1014, 1015;  khi dòng họ cai quản châu Vị Long không tuân theo lệnh bảo vệ biên giới của triều đình đã 6 lần nổi loạn và đều bị triều đình đánh dẹp.

Với các kế sách giữ nước, đặc biệt là Nhu viễn, nhà Lý đã thu phục được thủ lĩnh châu Vị Long đứng về triều đình để bảo vệ đất nước, bảo vệ Tuyên Quang.

Biên khảo: Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục