Đảng, Nhà nước và Nhân dân cũng ghi nhận: Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang dần hoàn thiện, đánh giá sự thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh mà còn ở sự cam kết, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm pháp lý bắt buộc đối với doanh nhân, doanh nghiệp mà ngày càng mang tính tự nguyện, đóng góp. Thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ giới hạn với người lao động và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, tuân thủ, làm đúng pháp luật, mà còn là trách nhiệm trong tạo ra các phúc lợi, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện, các hoạt động xã hội…
Dù rằng lợi nhuận là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, song kinh doanh chộp giật, chỉ hướng theo cái lợi trước mắt đã không còn là tư duy kinh doanh đúng đắn cho doanh nhân thời đại mới. Bởi lẽ giờ đây, khi yêu cầu về phát triển bền vững lên ngôi, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó, thị trường sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.
Do đó, doanh nghiệp không thể đặt lợi ích kinh tế là lợi ích duy nhất mà phải đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất mà người doanh nhân phải chèo lái "con thuyền" doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Thực tế trong xã hội hiện đại, doanh nghiệp nào càng ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, biết hiện thực hóa nó một cách hiệu quả và thiết thực thì doanh nghiệp đó sẽ nhận được thêm nhiều giá trị trong tài sản thương hiệu của mình. Qua đó góp phần vào tăng phúc lợi xã hội, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết