Năm 2010, ông chế tạo thành công chiếc máy hút sâu chè, giúp việc sản xuất chè sạch của cả vùng Phú Lâm, huyện Yên Sơn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn so với trước. Ngoài ra, ông Hoàn còn chế tạo được máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa, máy hái chè. Với cách hái thủ công bằng tay, một người hái chè có kinh nghiệm cũng chỉ hái được khoảng 50 kg chè tươi/ngày, nhưng chiếc máy hái chè do ông cải tiến có thể thu hái được hơn 3 tấn chè tươi/ngày. Máy hái chè của ông đã có mặt ở nhiều vùng chè của Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu… Năm 2019, lão nông này lại cho ra đời chiếc máy gieo hạt “4 trong 1” có động cơ, vừa gieo hạt, vừa đánh rạch, lấp rạch và bón phân. Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008 - 2009. Ông Hoàn cũng đã nhận được nhiều Bằng khen của tỉnh và các đơn vị khác.
Nhìn ra tỉnh bạn, cũng có những nông dân mày mò được nhiều sáng chế có giá trị, được ứng dụng vào thực tiễn, giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong khi có những đề tài khoa học được ngân sách Nhà nước tài trợ nghiên cứu nhưng vẫn cất trong ngăn kéo, thì những sáng chế của nông dân chưa từng được đào tạo này đang được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thật đáng trân trọng.
Tuy nhiên, việc trân trọng và khen thưởng những “nhà sáng chế không chuyên” như trên vẫn là chưa đủ. Rất cần quan tâm hơn nữa để họ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp họ sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường. Họ cũng cần được giới thiệu tham gia hội chợ, sự kiện khoa học và công nghệ; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Và quan trọng, họ cần được hỗ trợ bằng cách ưu đãi vốn vay, thuế, hỗ trợ tiêu thụ, bảo hộ sáng chế… để ngày càng có thêm nhiều người được hưởng lợi từ các sáng chế.
Gửi phản hồi
In bài viết