Quê hương nếu ai không nhớ...

- Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới lại bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình và đặc biệt là nhớ về ngày Tết cổ truyền với những tình cảm, mong ước tốt đẹp nhất. Với mỗi người con xa xứ, Tết là thời điểm vô cùng ý nghĩa để trở về.

Tết đoàn viên

Gần 32 năm ở trời Âu cũng chừng ấy năm gia đình bà Đoàn Thị Hồng Hạnh đón Tết cổ truyền nơi xứ người. Cũng bánh chưng xanh, giò lụa, dưa hành; cũng mứt Tết, hoa tươi và những lời chúc tụng xuân mới nhưng với gia đình bà Hạnh, Tết nơi xa xứ buồn vì nhớ quê nhà da diết. Bà Hạnh thổ lộ, Tết nơi xứ người dù vật chất đủ đầy nhưng không có được không khí rộn ràng đón xuân, con cháu sum vầy, quây quần bên nồi bánh chưng, mâm cỗ tất niên và hồi hộp chờ thời khắc giao thừa. Năm nay thì khác, Tết này gia đình bà sẽ được đón cái Tết trên chính quê nhà trong niềm vui trọn vẹn.

Chị Ma Thị Ly, Việt kiều Australia cùng gia đình đón Tết trong niềm vui đoàn tụ.

Bà Hạnh chia sẻ, vừa đặt chân xuống sân bay bà đã cảm nhận được không khí Tết cận kề, phố phường ngập sắc hoa xuân, nhìn ai cũng phấn chấn, rộn ràng, hứng khởi. Theo lời của bà Hạnh, thời khắc đón Tết cổ truyền ở Việt Nam thì bên châu Âu thời tiết rất lạnh, nhiệt độ có năm xuống đến âm độ C. Nhớ Tết quê nhà và xua tan giá lạnh, cộng đồng người Việt thường tổ chức cho bà con gặp mặt giao lưu, cùng nhau đón xuân mới. Nhưng vẫn có nhiều người Việt ở xa không thể đến được. Hơn nữa mọi người thường phải đi làm vào dịp Tết nên thời gian để chuẩn bị cho dịp lễ này rất ít. Do đó, Tết, chỉ còn là nỗi nhớ trong tâm tưởng, trong mơ ước được hòa mình vào không khí đoàn viên bên gia đình yêu dấu.

Bà Hạnh háo hức, gia đình bà trở về Việt Nam để hưởng hương vị ngày Tết trọn vẹn và đúng nghĩa nhất. Bà sẽ được thấy hoa đào đỏ hay hoa mai vàng rực rỡ khắp nơi, được ăn các món đặc trưng của ngày Tết, được ngắm nhìn những khuôn mặt rạng ngời, tươi mới cùng những lời chúc tụng may mắn, hạnh phúc, an lành cho một năm mới.

Chị Ma Thị Ly, Việt kiều Australia, dù công việc bộn bề nhưng 5 năm nay, năm nào chị cũng thu xếp thời gian để về nhà đón Tết cổ truyền. Bởi, đối với những kiều bào như chị, Tết là cơ hội để gặp gỡ người thân, bạn bè bao tháng ngày xa cách.

Chị Ly kể, năm đầu tiên xa quê và được về đúng dịp Tết cổ truyền, chị chỉ muốn chạy muốn chạy thật nhanh về nhà sà vào vòng tay của người thân, thăm họ hàng, gặp gỡ chòm xóm. Nhiều năm sống và làm việc nơi đất khách, chị Ly thấu hiểu được nỗi lòng của mỗi kiều bào ta xa quê, đó là không bao giờ vơi nỗi nhớ nhà và luôn dành trọn tình yêu cho quê hương, đất nước.

Năm nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn đón Tết tại quê nhà, nhưng chắc hẳn năm nay, chị Ly vui hơn bội phần khi chứng kiến quê hương thay da đổi thịt.

Chị Ly bảo năm ngoái thôi, Tuyên Quang mình chưa có đường cao tốc, đường trục phát triển. Vậy mà giờ đây mọi thứ đã đổi thay, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển thênh thang nối từ thành phố Tuyên Quang lên đến trung tâm huyện lỵ Yên Sơn và tới đây đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang nữa lại hình thành, giao thông đã đang kết nối với tất cả các trục, Tuyên Quang mình đang hòa nhập để phát triển.

Tấm lòng của người con xa xứ

Năm nào cũng vậy mỗi lần được trở về quê hương, ngoài hưởng cái Tết đoàn viên cùng gia tộc, cụ Nguyễn Thị Thu, 82 tuổi, Việt kiều Mỹ lại cùng con cháu làm những việc đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Với cụ, những chiếc xe đạp, suất học bổng, chiếc áo ấm cho học sinh nghèo chỉ là phần rất nhỏ, cái quý giá hơn là tấm lòng của cụ dành cho thế hệ tương lai của quê hương và là cách để cụ giáo dục con cháu về cội nguồn của mình.

Chị Trần Thị Ngọc, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), cháu của cụ Thu - người được cụ tin tưởng, giao trách nhiệm thông tin, kết nối những địa chỉ nhân ái và đồng hành cùng cụ thực hiện những chương trình thiện nguyện chia sẻ, sống ở Mỹ mấy chục năm nhưng tấm lòng, tình cảm của cụ Thu luôn hướng về cội nguồn. Cụ luôn dõi theo cuộc sống nơi quê nhà, đau đáu nỗi lòng được san sẻ tình cảm.

Theo lời chị Ngọc, cụ Thu là giáo viên về hưu, thấu hiểu những thiệt thòi, khó khăn của học sinh nghèo nên cụ dành nhiều tình cảm cho các em. Xuân 2019 chị thay mặt cụ Thu đã trao tặng 270 chiếc áo ấm, 15 xe đạp, 50 bộ chăn màn, 1.000kg gạo và 5 suất học bổng, mỗi suất 10 triệu đồng/năm học đại học, cho con em, học sinh nghèo xã Kim Bình, xã Tri Phú (Chiêm Hóa); Xuân 2020, cụ Thu trực tiếp trao tặng 285 áo đồng phục học sinh, 15 xe đạp và 2 máy lọc nước cho Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Thuận (Hàm Yên)... Xuân này, cụ Thu mong muốn dành tặng 600 áo đồng phục mùa đông, 20 xe đạp cho con em đồng bào xã Linh Phú (Chiêm Hóa). Món quà dù nhỏ nhưng cụ Thu mong muốn được đồng hành, sưởi ấm, sẻ chia những khó khăn với những học sinh nghèo, động viên các em nỗ lực học tập, rèn luyện trí, đức trở thành những công dân có ích cho quê nhà.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hội hữu nghị tỉnh khẳng định, mỗi độ Tết đến Xuân về, kiều bào ở các nơi trên thế giới lại trở về quê nhà thăm thân và làm những việc thiện nguyện cho cộng đồng, bởi với họ, 2 từ “đồng bào” vô cùng thiêng liêng. Đã có những công trình phúc lợi được xây dựng, những suất học bổng được trao cho con em đồng bào nghèo cho thấy tình cảm của kiều bào với quê hương, cội nguồn.

Tết là thời khắc rất thiêng liêng, là ngày của đoàn tụ, ngày của trở về cội nguồn. Ngày này, người Việt dù sống xa quê hương ở bất cứ nơi nào cũng đều hướng về cội nguồn tổ tiên của mình. Được đón Xuân trên quê hương, nơi quê cha đất tổ, được san sẻ tình cảm và hơn cả chứng kiến sự đổi thay, phát triển của quê nhà chính là niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất của mỗi người con xa xứ.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục