Lão kể: Một sáng, con trai lão mười bảy tuổi, đi rừng chặt cây làm nhà. Chặt được gốc, cây gỗ đổ xuống, đè gẫy chân, máu ra nhiều quá, không ai biết. Tối mịt, không thấy con về, lão mới nhờ dân bản soi đuốc lên núi tìm thì đứa con trai đã không còn thở được. Con trai mất, vợ lão ngày nào cũng lên núi gọi vía. Tháng tiếp tháng, mà cái vía chưa về. Đến mùa quả dâu da tím, bà lão không còn đủ sức leo núi nữa. Bà héo mòn rồi theo con trai về núi.
Nương không ai làm, cỏ gai mọc. Lúa không ai cấy, nhả nhùng lên. Sếnh buồn như con nai lạc rừng. Lão lang thang rồi tấp vào bản Toóng. Dân bản thương tình, dựng cho lão một mái lều cọ, ngay chân rừng. Sáng, lão vào rừng kiếm ăn. Khi vác về buồng chuối chín, lúc được tổ ong đầy mật. Có ngày, bẫy được vài con sóc hay cầy, cáo mang đi đổi gạo, ngô. Ông lão thuộc từng lối đi, hang ổ chồn cáo, giờ nào thú đi ăn, mùa nào quả chín. Nghe tiếng gà, lão biết ổ đang có trứng.
Mười ngón tay lão, vân hoa tròn xoe. Ngày nhỏ, bố mẹ đã dạy đan lát, vặn thiếu, chạc. Bố mẹ mất, chẳng để lại bạc trắng, trâu bò... chỉ để lại cho lão nghề đan lát. Đan xoỏng đựng thóc, níp đựng đồ nữ trang, rồi giần sàng, giỏ, nơm... Lão đan lồng bẫy, nhốt chim; đan đó, nơm đơm cá cua, lươn, ba ba. Ngày mưa, dân bản đến nhờ lão đan đồ dùng. Người biếu cân gạo, chai rượu, kẻ biếu tấm áo, manh quần, có khi là tấm chăn bông. Chẳng mấy lâu, tiếng lành đồn xa, dân bản trong vùng ai cũng thích đồ gia dụng đan bằng tay của lão. Có người còn thu gom hàng của lão, bán cho khách du lịch.
Đêm qua lão bẫy được con trĩ. Tinh mơ, lão xách lồng xuống bản. Con chim tuyệt đẹp, màu lông sặc sỡ, cái đuôi dài hơn hai gang tay. Trên đường đi, lão đã bị hai anh kiểm lâm giữ lại. Ban đầu, lão nhầm là người mua chim cảnh. Nhìn kỹ lại có cả súng đeo bên hông làm lão hoảng. Một người nói: "Ông đã vi phạm luật, bắt và giữ động vật quý hiếm trái phép". Càn Sếnh run bắn người. May, chỉ bị nhắc nhở. Con trĩ được thả về rừng. Nó chấp chới bay rồi quay lại nhìn ông già tội nghiệp. Cán bộ kiểm lâm khuyên lão nên chuyển đổi nghề khác, phù hợp với tuổi già. Đúng lúc ấy, cô Lả, Chi hội trưởng phụ nữ thôn, tìm gặp để mời ông vào làm "thầy giáo" dạy đan mây, tre, nứa, cho thành viên hợp tác xã mây tre đan của xã.
Càn Sếnh không sao chợp mắt. Sáu chục năm ở rừng, lão đã ăn thịt bao con thú, giết bao chú chim, chặt bao cây xanh. Anh kiểm lâm nói đúng. "Ông đã ăn không của rừng mà chưa làm gì cho làng bản". Đã có người khuyên lão nên bỏ nghề săn bắt chim thú. Sáu mươi tuổi rồi, chân sao nhanh bằng con thú, tay không khỏe để leo cây, mắt không tinh tường để đi đêm nữa. Lão đã nhận lời cô Lả, dạy cho các cháu trong bản đan lát…
Đêm nay, vừa chợp mắt Càn Sếnh đã mơ thấy mình nằm trên nhà sàn. Xung quanh nhà treo kín các đồ đan lát mây tre. Bọn chúng đang nhảy múa, líu lo hát những vũ điệu, âm thanh riêng của rừng, núi.
Gửi phản hồi
In bài viết