Minh họa: Cảnh Trực.
Vào cấp ba anh phải xin nghỉ học để giúp mẹ, sức mẹ yếu đi nhiều quá. Mẹ bảo, con cứ nỗ lực đi con, mẹ còn sức mà. Cô giáo đến động viên, tiếc nuối vì cậu học trò thông minh, lanh lợi, sống rất tình cảm. Anh không ngồi thu lu trong phòng như bao bạn trẻ chán chường mà lúc nào cũng cười vui, nói với mẹ những ước mơ hoài bão. Mẹ tin anh, như vơi đi nỗi buồn và mặc cảm.
Thằng bé hàng xóm nhà bên tinh nghịch quá khiến bố mẹ nó lúc nào cũng bận lòng. Nhưng nó lại rất yêu quý anh, anh nói nhiều điều nó nghe lắm. Những buổi chiều hè, anh cùng nó đi bắt cua đồng, cái thủa “Cua ngoi lên bờ” mà chả ai muốn bắt nhưng anh lại có ý thức mang về rửa sạch, phơi khô để làm mắm, làm thức ăn cho mùa đông, còn thừa mang nấu cám thì lợn lớn như thổi, lông mịn màng nom ai cũng thích. Cu cậu thủ thỉ bảo, ông nhà thơ giỏi vậy anh nhỉ, hạt gạo làng ta thì ai cũng biết đó, vậy mà chỉ mỗi ông làm thơ hay thật. Anh bảo, thì đấy, cái gì mà người ta không nhìn ra được, nhà thơ nhìn ra thì mới là nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học... Cuộc sống biết bao điều thi vị, chú mày cố mà học đi, chỉ có học mới thoát khỏi nghèo khổ, lạc hậu thôi.
Sau buổi chia tay anh hàng xóm lên đường đi bộ đội, thằng bé về nhà nằm trong căn buồng nhỏ khóc nấc. Nó không nghĩ lại dành cho anh ấy nhiều tình cảm đến vậy. Hôm nhà nó thịt lợn, nó “ăn trộm” một miếng mang sang biếu anh. Bố mẹ nó tỏ vẻ rất vui khi con mình biết thương người nhưng anh bảo, “thằng bé sống rất nghĩa tình, nhưng cô chú nên bảo em không được tự tiện lấy của bất cứ ai cái gì, đó là việc xấu”. Ông chú hàng xóm nhìn anh đằm thắm, tỏ lòng biết ơn vì nhờ anh, con mình đã trưởng thành hơn.
Hai năm đóng quân, tuần nào anh cũng viết thư thăm hỏi, động viên thằng em trai nhỏ sát nhà. Hai anh em hứa cùng nhau thi đỗ đại học để sau này về mở doanh nghiệp. Thằng bé không hiểu gì lắm cả nhưng nghe chí hướng đó, nó càng ham học hơn.
Xong quân ngũ, anh đi làm ở nhiều nơi để có lưng vốn thực hiện ước mơ của mình. Và điều đó đã đến như trong cổ tích. Tốt nghiệp một đại học ngân hàng hạng khá, anh về quê tìm lợi thế để mở doanh nghiệp. Thằng em hàng xóm tốt nghiệp đại học, bôn ba khắp nơi, rồi cũng trở về quê làm ở một cơ quan Nhà nước tại tỉnh. Mỗi người một việc, một nghề nhưng hai anh em vẫn quan tâm thương yêu nhau như anh em ruột rà.
Hai anh em vẫn thường xuyên gặp nhau nhưng sao anh vô tâm đến mức không hề biết người em mình bị bệnh trọng. Anh khóc ầng ậc khi thấy mái tóc em không còn một sợi vì phải truyền hóa chất, làn da sạm đi. Tim anh như ngưng đập, như muốn gánh nỗi đau cho em mà có được đâu... Nó ngồi im nhìn anh bằng ánh mắt hiền hậu.
Anh đứng ra lo toan cho em như người anh trai thực sự, điều đó hơn tất cả những loại thuốc đặc hiệu trên đời. Thấy anh bộn bề công việc với bao dự án nhưng anh vẫn về các miền quê khó khăn làm công tác thiện nguyện như xây trường học, nhà văn hóa, làm đường... Thời buổi kinh tế khó khăn, anh vẫn xoay sở tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Việc nhà luôn chu toàn, anh vẫn dành thời gian đưa em đi khám bệnh định kỳ.
Nhìn người em yêu quý vượt lên bạo bệnh và đi làm trở lại, anh hạnh phúc như chính mình khỏi bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết