Kỳ nhân hiếm gặp
Thiền sư Lê Mạnh Thát được biết nhiều với vai trò là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, với những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam và triết học. Một số phát hiện mới của ông về lịch sử Việt Nam đã gây chấn động giới nghiên cứu sử.
Những ngày gần cuối năm 2023, khi bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam 3 tập của ông tái bản (có bổ sung), cũng là lúc chúng tôi nhận được tin ông đã đọc một bài trên báo Tuyên Quang khẳng định, đạo Phật đã vào Tuyên Quang từ thời Lý, không phải thời Trần như một số tài liệu đã viết. Tác giả bài báo - nguyên là phóng viên báo Tuyên Quang, hiện cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử đã có cơ duyên gặp Thiền sư tại Hà Nội. Câu chuyện giữa những người say mê nghiên cứu sử đã đi đến quyết định: thực hiện một chuyến đi Tuyên Quang để xác định lại những cứ liệu Báo Tuyên Quang đã đăng, cũng là xác định có đúng đạo Phật đã vào xứ Tuyên trước cả khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông rời ngôi vua về tu tại núi thiêng Yên Tử?
GS.TS. Thiền sư Lê Mạnh Thát khẳng định các di vật thời Lý được khảo cổ từ chùa Nhùng là rất thuyết phục.
Nghe tin, chúng tôi vừa mừng, vừa phục. Chao ôi, còn hơn cả phục. Một vị thiền sư nổi tiếng, một nhà khoa học biết tới 15 thứ tiếng, mà khi nghe thông tin trên tờ báo của chúng tôi đã cất công đến tận nơi để xác minh, còn nói sẵn sàng sửa sách của chính ông, nếu chuyến đi cho thấy những thông tin chúng tôi đăng là đúng. Cái tinh thần khách quan, nghiêm cẩn, khoa học ấy, thời nay thật hiếm, thật đáng trọng.
Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng ông vẫn để tóc. Năm 1959, ông vào Huế trọ ở chùa Báo Quốc và theo học tại Quốc học Huế. Năm 20 tuổi ông đậu cử nhân ngành Triết học tại Viện Đại học Đà Lạt. Ông đã theo học tại Viện Đại học Winconsin, Madison, Hoa Kỳ, lấy bằng tiến sĩ ngành Triết học. Về nước, ông là Giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Việt Nam; sau giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh - thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ông là giáo sư, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban thường trực của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).
Phải giới thiệu như thế về thiền sư để thấy việc những nhà báo bình thường ở tỉnh miền núi phía Bắc như chúng tôi được diện kiến và hành hương cùng ông là một duyên lành hiếm có.
“Tư liệu từ chùa Nhùng rất thuyết phục”
Cái nắng hanh hao vẫn không làm bớt hơi lạnh của ngày cuối đông. Vị thiền sư 80 tuổi ngồi xe gần 200 cây số từ Hà Nội đến xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) vẫn khoan thai bước mấy chục bậc lên đỉnh đồi phía sau UBND xã để tới chùa Nhùng. Dáng vẻ điềm đạm, bước chân ông nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa sự vững chãi của một người đã kinh qua bao thăng trầm.
Ngôi chùa cổ nằm lặng lẽ trên ngọn đồi, bao quanh là các dãy núi Pù Chùa, Pù Tâm, Pù Kiềng, Kim Lao thuộc các xã Hòa Phú, Yên Nguyên. Năm 2015, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khảo cổ học, phát hiện nhiều gạch bảo tháp và 03 đài sen bằng đá xanh, trong đó có một đài sen còn tương đối nguyên vẹn và 01 đầu tượng Phật bằng đá.
Quá trình khảo sát cũng phát hiện được các dấu tích kiến trúc quan trọng và số lượng lớn những đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đất nung từ thế kỷ XI - XIII đến thế kỷ XV - XVI. Các chuyên gia khảo cổ học đánh giá chùa Nhùng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam, đặc biệt là loại hình di tích rất hiếm gặp ở khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam.
GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát (giữa ảnh) cùng đoàn nghiên cứu chụp ảnh với lãnh đạo xã Hòa Phú (Chiêm Hóa).
Năm 2016, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học chùa Nhùng. Kết quả, đã xác định được tương đối đầy đủ về quy mô cũng như kiến trúc của ngôi chùa cổ thời Lý. Tại đây, đã phát hiện được ít nhất hai cây bảo tháp thời Lý và một cây bảo tháp thời Trần; đồng thời tìm thấy gạch in nổi văn cúc dây thời Lý - loại gạch chỉ có ở Hoàng thành Thăng Long, tháp Chương Sơn, tháp Phương Nhi là những công trình do triều đình xây dựng và đích thân nhà vua đến khánh thành.
Năm 2019, địa điểm chùa Nhùng xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được xếp hạng là Di tích khảo cổ quốc gia.
Chùa Nhùng hiện nay đã được dựng tạm với phần mái và tường đơn sơ. Chùa quay hướng Nam, tầm nhìn bao quát trọn cả khoảng không gian rộng lớn phía dưới - xưa là châu Vị Long, xa xa là chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với tấm bia cổ là bảo vật quốc gia và bài văn bia tuyệt tác của Lý Thừa Ân từ thời Lý.
Dẫu đơn sơ, nhưng giữa cảnh núi non tĩnh lặng, ngôi chùa vẫn khiến chúng tôi cảm nhận được sự yên bình. Theo bước thiền sư, chúng tôi như đang đi đến một không gian hoàn toàn khác biệt, trong tiếng chuông chùa thong thả ngân vang cùng tiếng chim rừng lanh lảnh trong sương núi.
Thiền sư khoan thai bước khắp khoảng vườn tre trước cửa chùa, ngắm kỹ những dấu tích khảo cổ, khai quật trước đây các nhà khoa học đã thực hiện. Mái tóc rủ trước trán, đôi mắt lúc đăm chiêu, khi ôn tồn tươi tắn, hình ảnh thiền sư lúc đó thực sự là hình ảnh một nhà khoa học, hơn là nhà tu hành.
Chủ tịch xã Hòa Phú giới thiệu với Thiền sư và chúng tôi những di vật được tìm thấy sau khảo cổ và khai quật. Thiền sư lưu lại khá lâu, xem kỹ những hoa văn trên từng hiện vật, và khẳng định tư liệu từ chùa Nhùng rất thuyết phục, cho thấy nơi này xưa kia có vị thế rất quan trọng. Tôi thấy gương mặt ông hiện rõ vẻ ưu tư, khi cho rằng những hiện vật này cần được bảo quản cẩn thận hơn.
Ông ôn tồn giải thích cho chúng tôi về lịch sử Phật giáo và sự gắn liền với lịch sử dân tộc, về từng hoa văn khắc trên các di vật và ý nghĩa sâu xa của mỗi chi tiết chạm trổ. Giọng ông lúc trầm ấm, lúc sôi nổi - thứ âm thanh không chỉ đến từ kiến thức uyên thâm mà còn từ sự giác ngộ của một người đã đi những bước rất dài đến tri thức và tâm linh.
Trong cuộc trò chuyện, thiền sư nhắc đến tầm quan trọng của việc duy trì di sản văn hóa, khuyến khích mọi người tiếp tục truyền bá và bảo vệ những giá trị quý giá này cho thế hệ mai sau. Ông chia sẻ rằng, ngôi chùa Nhùng không chỉ là nơi thờ phụng, mà còn là trường học tâm hồn, là nơi giúp con người nhớ về cội nguồn, nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc sống. Theo thiền sư, một khi các giá trị văn hóa và đạo đức được thấm nhuần trong lòng người, thì mỗi người đều có thể tìm thấy bình an, bất kể họ đang sống trong thời kỳ nào, đối mặt với thử thách nào. Ông nói, chùa Nhùng chính là một bảo vật cần được gìn giữ và trân quý. Ông cũng nói, sau chuyến đi này, sẽ phải có một cuộc Hội thảo về những giá trị chùa Nhùng và đánh giá lại lịch sử Phật giáo ở khu vực này.
Chúng tôi theo thiền sư rời chùa Nhùng khi nắng trưa đã quá đỉnh đầu. Ai nấy thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, như vừa bước ra từ một bài học quý giá mà không một sách vở nào có thể truyền đạt trọn vẹn.
Tôi lặng nhìn ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện trong bóng rừng, và tin một ngày không xa, nơi này sẽ trở lại vẻ huy hoàng vốn có. Chúng ta có thể xây dựng những công trình mới, nhưng không dễ dàng dựng lại những dấu tích của một thời đã qua. Bởi phải làm cho mỗi người dân trong vùng không quên giá trị lịch sử của ngôi chùa, và vun bồi giá trị ấy để mỗi người đến đây thêm tự hào và tìm thấy chính mình trong những điều giản dị và thanh khiết nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết