Đã trọn một đời

- Bác Chủng là bạn của ba, cùng xóm, không cùng trang lứa nhưng cùng chí hướng. Ba tôi nhỏ hơn bác gần chục tuổi. Khi ba còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, bác Chủng đã về hưu.

Hồi nhỏ, tôi thường thấy bác Chủng tới nhà. Bác và ba ngồi ở góc sân, nói rất nhiều chuyện, nói say sưa. Từ tuổi thơ ở trần tắm mưa, học bơi, đắp bờ bắt cá đến làm ruộng, cưa gái, lấy vợ rồi đi lính. Hôm nào hứng chí, bác Chủng còn mang theo cây ghi - ta. Người đàn người hát, giọng đã héo theo thời gian nhưng cảm xúc vẫn tràn đầy, hát rất hào hứng, gu của họ là nhạc đỏ. Hai người hát to, khí thế, lần nào mẹ cũng “mắng” có hai ông hát mà cả xóm điếc tai, rồi cười hi hi.

 Sau này, khi tôi đã là nữ sinh cấp 3, hôm ấy ba vắng nhà, bác Chủng tới chơi. Tôi cũng máu me nhạc nhùng nên thấy cây đàn thì bổ nhào lại. Bác cháu vừa đàn hát vừa nói chuyện. Nói một chập, tôi mới ngỡ ngàng khi biết tường tận về sơ yếu lý lịch của bác.
Thời trai trẻ, học xong mấy chữ vỡ lòng, lội bùn mấy năm đã vội lấy vợ, sinh con. Mười sáu tuổi lấy vợ, hai hai tuổi ra lính. 

Ban đầu đóng quân ở tỉnh nhà nhưng sau đó, năm sáu mươi được điều về Đại đội trinh sát ở Tây Nguyên. Tham gia nhiều trận đánh, bị một vài vết thương vì đạn lạc, nặng nhất là vết thương ở cánh tay trái. Bác nói rồi xoăn tay áo lên, tôi nhìn thấy một vết sẹo to, chỗ “con chuột” không vồng lên cuồn cuộn mà trõm sâu, y như “con chuột” ở đó đã bị móc đi vậy. Thấy tôi nhăn mặt, bác cười ha ha, chỉ là vết thương xoàng, có gì đâu mà sợ!

Tôi hỏi bác không sợ chết hả thì bác cười hề hề, giả bộ co rúm, nhút nhát (như cô bé đang hỏi) nhưng lộ rõ phong thái bình thản.

- Chết thì ai chả sợ. Nhưng đã ra trận rồi thì không biết sợ nữa. Sợ cũng chết mà không sợ cũng chết!

Rồi bác kể tôi nghe năm 62, đại đội chủ công của tỉnh đội Đăk Lăk đưa quân về Dinh Điền để bảo vệ đồng bào ăn Tết. Chiều 30, địch điều ba tiểu đoàn, chia làm ba cánh bao vây. Lực lượng của ta tuy mỏng hơn nhưng đã chiến đấu quyết liệt. Chưa lúc nào bác thấy mình phi thường như lúc đó. Không nghĩ gì ngoài việc phải bảo vệ để xóm làng ăn Tết. Tới lúc đó tự dưng thấy cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Giây phút lắng đọng, nhiều cảm xúc nhất là khi chiến trường tiếng súng tạm ngưng. Bình yên trong khoảnh khắc nhưng ngay lúc đó, nỗi đớn đau đã kéo dài đằng đẵng - giọng bác lạc đi, nghẹt hẳn. Sau một trận mưa bom, cây bị đốn nghiêng ngả, nhựa cây ứ ra, như máu. Giữa núi rừng hoang vu. Nắng, khát, đói. Người chiến sĩ trong bộ quân hành nhuộm bụi đất, gọi tên người đồng đội từng chia nhau tấm chăn mỏng nơi rừng khuya đầy sương muối đang đẫm máu trong tay mình - bác nói mà nước mắt từ từ rịn ra, làm tôi cũng xúc động rơm rớm. Rồi bác khóc. Những giọt nước mắt khó nhọc trào ra khi kể chuyện sau trận càn, xung quanh tới bốn đồng đội đã hy sinh. Đau khô nước mắt. Nỗi đau còn lớn hơn nỗi đau gấp bội.

“Mốc thời gian khó khăn, đáng nhớ nhất?”. Bác Chủng bỗng trầm ngâm, đôi mắt tối sầm khi tôi vừa dứt lời:

- Đừng tưởng những chuyện oanh liệt trong lúc giông bão sẽ được khắc cốt ghi tâm. Không phải, nó thường bị lãng quên trong lúc bình yên. Nhưng bác thì chưa bao giờ quên, tiếc rằng chưa gặp một người trẻ nào (trừ cháu) muốn nghe/muốn tin những “câu chuyện thời bão giông trong lúc yên bình”.

Bác đánh tiếng thở dài nghe thườn thượt. Rồi như gặp được người tri kỷ, bác say sưa kể:

-  Đó là năm 1966, trên đường đi công tác ở chiến khu, bác bị bắt và cầm tù. Bảy năm tù. Bảy năm - khoảng thời gian có thể ngắn với một đời người nhưng quá dài nếu chiếu theo công thức “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Ban đầu, bác bị giam ở Nha thẩm vấn Cao Nguyên, sau đó bị đưa ra giam giữ ở quân đoàn 2, Playcu. Trong cuộc tấn công năm Mậu Thân, một đơn vị của ta tấn công trực diện vào nhà tù Playcu. Sau trận đánh đó, bác liền được chuyển ra nhà tù Phú Quốc.

Tôi đã được đọc nhiều chuyện liên quan đến nhà tù thời chiến, đặc biệt nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp, được nghe người trong cuộc kể lại. Tôi lặng thinh vì hồi hộp, thiếu điều nín thở để nghe.

Bác Chủng nói, nhấn rõ từng từ: Cả hai, nhà tù Côn Đảo hay Phú Quốc đều là NỖI ÁM ẢNH KINH HOÀNG. Không chỉ dùng cây, gậy đánh vào người mà còn dùng đinh mười đóng xuyên gối để đe dọa, thị uy, tra gạn. Không khai thì càng bị tra tấn nặng nề hơn. Nhìn về phía xa xăm, nỗi buồn hiển hiện trong đôi mắt trũng sâu, bác nói nhẹ hều mà nghe sâu hun hút.

- Chúng đánh, bắt đầu từng khu. Ai khai thì được thả, người nào “ngoan cố” thì bị tra tấn cho đến… chết. Gãy xương sườn số 6 là một sự may mắn - bác đưa tay chỉ vào mạng sườn mỏng - bây giờ vẫn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng nỗi bi thiết cực cùng là ở nhà tù đó, bác đã phải tận mắt chứng kiến cảnh nhiều đồng đội bị đánh đến chết. Cùng với nỗi đau đớn chất ngất thì tinh thần quyết chiến cũng trào dâng đến tận cùng.

Thấy tôi có vẻ mặt ưu tư như muốn chia sẻ thì bác bảo, may mắn vì đi qua những ngày đạn bom nhưng vẫn còn chút ít lành lặn để đoàn tụ với vợ con. Ngừng trong giây lát, bác bùi ngùi nói, đau nhất là mồ mẹ đã xanh cỏ.

Khi Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, bác Chủng ra tù, được an dưỡng rồi được cử đi học tập. Sau đó về làm chính trị viên cho Tiểu đội 35. Chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử rồi sau còn tham gia huấn luyện tân binh đưa sang chiến trường Campuchia. Đến tuổi hưu, bác về lại quê nhà.

Đó là chiếc rương cũ kỹ. Bác Chủng từ từ, cẩn trọng lấy ra một quyển sổ. Giấy hẩm xì, mốc meo, vàng ố, nhiều tờ mục ruỗng, rớt vụn. Mở ra, chỉ còn dấu tích những bài thơ, những đoạn tạp văn mỏng được ghi chép ở rừng. Bằng ánh mắt lung linh, bác nói, cái này quý nhất nè rồi chỉ vào cây đàn ghi - ta móc trên vách.

Đưa tay rải trên những dây đàn, giai điệu hùng tráng và lời kể lúc mạnh mẽ lúc yếu mềm, bác đưa tôi về những giây phút vui vẻ hiếm hoi của những người lính khi họ quây quần bên cây đàn. Những lúc đó, Tử thần không còn được ai nhớ nữa.

Bác vừa kể vừa cười, đưa tay quẹt mắt như muốn khóc. Vui lắm! Người nào cũng hát, hát hay hát dở đều hát. Vừa hát vừa vỗ tay. Bác nói bằng giọng tự hào lộ liễu, gương mặt ánh lên sôi nổi, y như đang ngồi hát cùng đồng đội chứ không phải tôi. Rồi bác cười hề hề:

- Tớ cũng có biết gì nhiều về đàn địch đâu, dân làm ruộng chính gốc mà. Đàn kiểu này gọi là “nhạc rừng”. Học lõm bõm, biết móc vậy thôi chứ hỏi về nhạc lý thì mù tịt. Có khi cả bài nhưng chỉ mỗi một hợp âm móc miết. Còn điệu thì đánh liều luôn, cứ chuyển hết qua rum ba với slow mà móc, bài nào cũng hát được. Vậy mà hát ào ào, không có đứa nào chê.

Nói xong bác cười ha ha, mắt trũng ướt khi kể chuyện hồi bị thương ở vai và tay, lúc hành quân thằng bạn mang dùm cây đàn. Trèo đèo lội suối, băng qua lửa đạn nhưng không lúc nào quên cây đàn.

- Dây đàn vẫn còn hơi ấm của đồng đội! - bác nói mà sắp khóc.

Kể hoài, cho đến đoạn kết tôi mới biết, vợ bác Chủng cũng từng là lính - thanh niên xung phong, làm y tá ở chiến trường.

Trở về từ cuộc chiến, hai người lính kiên gan vẫn giản dị trong ngôi nhà gạch ba gian của tuổi thơ. Cũ, rất cũ!

Ba tôi ngậm ngùi kể: Hiện vợ bác Chủng bị ung thư gan giai đoạn cuối. Bác đã lẩm cẩm, vụng về nên thuê người chăm. Thế con bác đâu? Ba nổi giận, cái tội con gái hóng hớt lại vô tâm vô tư không biết gì về xóm giềng. Hai bác có một đứa con nhưng đã chết vì tai nạn giao thông cách đây mấy năm, đứa con duy nhất. Bây giờ vợ đổ bệnh đau, bác cũng già nua nên phải thuê người nuôi bệnh.
Nghe ba kể xong, tôi đặc biệt đến thăm liền. Với hy vọng được san sẻ ít nhiều một điều gì đấy.

Trong cơn mệt, giọng đứt quãng, bác gái nói với tôi bây giờ ổn rồi. Bác đã đến tuổi “xưa nay hiếm” nên chấp nhận đi theo tiếng gọi của thần chết. Lúc mới biết bệnh, có hoang mang suy sụp nhưng sau đó bình tĩnh chấp nhận chiếc vé “đi tàu suốt”. Bác Chủng nói với vợ một đời như vậy đủ rồi. Không luyến tiếc nữa.  

Lần cuối cùng, trước khi rời quê đi lập nghiệp, tôi lại thấy bác Chủng ôm cây đàn bên mé hiên - một mình. Tôi vào chào từ biệt. Bác vui vẻ ủng hộ chí trẻ muôn phương của tôi. Rồi bác nói, giá đủ khỏe tao cũng đi, muốn ôm cây đàn lang thang lại những nơi tuổi trẻ đã đi qua, chỉ để hát những bài ca một thuở…

Truyện ngắn: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Tin cùng chuyên mục