Minh họa: Bích Ngọc
“Con hai nó có cháu ngoại rồi. Tôi với ông lại lên chức, nó đặt tên cúng cơm cho cháu nó là Bằng Lăng đó ông”.
“Ngoại ơi! Trời mưa dông rồi vào nhà thôi ạ!”.
Hân chạy đến đỡ lấy bà Năm đứng dậy, liếc nhìn thấy chiếc áo lính quen thuộc, Hân rưng rưng nước mắt. Bác sĩ bảo bà chẳng còn minh mẫn nữa, quên trước quên sau. Lắm lúc bà còn quên luôn đứa cháu ngoại mỗi ngày kề cận. Vậy mà điều duy nhất bà không quên chính là hàng ngày ôm lấy chiếc áo cũ của ông rồi kể cho Hân nghe về những chuyện trong quá khứ.
***
Giữa trưa nắng đang chan hòa cả góc sân thì đột ngột gió nổi lên bầu trời giăng mây đen tối cả một vùng. Chị đang loay hoay dỗ con ngủ thì hoảng hốt đặt vội đứa bé xuống nôi cũi rồi chạy ra sân ôm từng bó củi chạy vào nhà. Dạo này thời tiết thất thường quá làm chị nhất thời trở tay không kịp. Mưa bắt đầu rơi rớt từng hạt nhỏ rồi lớn dần lên. Chị chạy đôn chạy đáo, tiếng con khóc ngất trong nhà làm chị càng thêm rối bời.
“Sao dì Năm không gọi con qua giúp.”
Chị ngước mắt nhìn thấy nhỏ Hiền, chị mừng quýnh. Hai người làm sẽ nhanh hơn, chớp mắt củi đã được chất hết vào nhà.
“Dì Năm đi thay đồ rồi bế em đi, nó khóc quá kìa, để con dọn dẹp chỗ này cho”.
Chị nhờ vả Hiền rồi chạy vào trong buồng bế đứa con gái. Nhà côi cút chỉ có hai mẹ con lủi thủi, nhiều lúc cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cũng may có Hiền thường xuyên giúp đỡ hai mẹ con chị, nếu không chị cũng không biết làm thế nào. Chồng chị đi bộ đội thỉnh thoảng mới về thăm nhà vài lần. Lúc chị sinh con anh về thăm đến nay con gái đã hơn sáu tháng nhưng vẫn chưa thấy anh về thêm. Anh có gửi thư về nhà thăm hỏi, lắm lúc chị chỉ biết tủi thân chứ không dám trách móc gì anh. Anh đi để bảo vệ dân, bảo vệ tổ quốc mà. Bé Hiền cũng có hoàn cảnh như chị. Ba nó là đồng đội của chồng chị, hai người ở chung đơn vị. Nó cũng ở nhà với má, trong nhà chỉ có hai má con sớm chiều ra vào. Chị đang dỗ cho con gái nín khóc bỗng nhiên nghe tiếng hét the thé của bé Hiền bên ngoài.
“Dì Năm ơi! Dượng Năm về, dượng Năm về dì Năm ơi!”.
Chị bế con chạy ra ngoài nhìn người đàn ông cả người ướt sũng, tóc mái bết vào trán. Chị mỉm cười hạnh phúc những giọt nước mắt cũng chực trào tuôn.
Bé Hiền cười tủm tỉm rồi co giò đội mưa chạy về nhà. Vừa mừng cho dì Năm cũng vừa vui vẻ vì biết ba nó cũng đã về.
***
“Lần này anh về được mấy ngày?”.
“Anh về ba hôm rồi phải đi em à nhưng em yên tâm, trận đánh này kết thúc có lẽ anh sẽ được về luôn”.
Anh vừa lùa chén cơm vừa bảo chị, trong lòng cũng dâng lên niềm háo hức mong chờ. Anh nghe cấp trên bảo trận chiến lần này ác liệt lắm vì đây sẽ là trận chiến cuối cùng rồi đất nước sẽ hòa bình thôi. Anh và đồng đội sẽ cố gắng hết sức để có thể đánh thắng trận rồi trở về đoàn tụ với gia đình. Ở ngoài chiến trường, anh nhớ vợ nhớ con da diết, nhiều đêm súng nổ đạn pháo bay sáng cả góc trời, anh luôn nguyện cầu cho vợ con ở nhà được bình an.
Chị gắp cho anh miếng khô cá sặc luôn miệng bảo anh ăn nhiều vào cho có sức. Đợt này anh về chị thấy anh gầy ốm hơn trước nhiều, chị biết chắc là ở đơn vị cực khổ và thiếu thốn lắm. Chị nhìn anh mà đau lòng xót dạ. Hàng ngày chị luôn khấn vái tổ tiên ông bà phù hộ cho anh được bình an, đất nước nhanh nhanh được hòa bình để gia đình chị được đoàn tụ bên nhau, không phải sống trong nơm nớp lo sợ mỗi ngày nữa.
Anh về nhà là tất cả mọi việc trong nhà anh đều thu xếp cho chị hết. Anh leo lên mấy cây dừa trước nhà giật hết mấy tàu khô rơi xuống rồi róc lá bó lại gọn gàng, chẻ củi chất thành đống to trước sân. Mấy lu nước bên hông nhà cũng được anh gánh đầy ắp. Anh còn leo lên mái nhà dằn cây xóc nóc lại cho chắc chắn để mùa mưa tới không bị dột. Anh còn lội ruộng tát mương bắt cá cho chị xẻ làm khô để dành ăn. Anh về ba ngày chẳng có ngày nào là rảnh rang tay chân, anh làm hết việc này đến việc khác. Chiều tối thì chơi với con gái để chị may áo cho anh. Chị bảo sắp tới dông bão nhiều nên muốn may cho anh thêm áo mới để dành. Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày anh chuẩn bị trở lại đơn vị. Chị gói ghém cho anh bao nhiêu là đồ. Từ áo mới đến đồ ăn.
“Anh đem mớ chuối khô này vào chia cho đồng đội cùng ăn, mớ cá khô này anh cũng đem hết đi. Mẹ con em ở nhà tự lo được anh đừng có lo”.
“Ừ, em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, ít bữa nữa anh về”.
Chị ôm chặt anh, vùi đầu vào lồng ngực ấm áp của anh. Mắt chị đỏ hoe nhưng vẫn cố gắng kiềm lại. Lần này hai người chia tay không biết đến khi nào anh lại về. Vì lần nào về rồi lại đi anh đều nói ít bữa anh lại về. Ít bữa của anh có khi là nửa tháng, một tháng hay vài tháng cũng không biết chừng.
Anh ôm chị nhẹ nhàng đặt một nụ hôn chứa chan tình cảm lên tóc chị, hít hà mùi thơm làm anh ngày nhớ đêm mong. Anh không biết lần này mình đi rồi có còn trở về như lời đã hứa không? Chiến tranh mà, sống chết là chuyện không thể biết chắc được. Mỗi lần trở về anh đều trân quý từng phút giây. Anh buông chị ra rồi cúi xuống bế đứa con gái lên hôn thật nhiều vào đôi gò má, vào trán vào đầu con bé.
“Con gái ngoan ở nhà với mẹ chờ ba về nhé”.
Anh đặt con gái lại vào lòng chị rồi đeo balo lên vai đi thẳng ra khỏi nhà mà không dám ngoái đầu lần nào. Anh sợ chị sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt của anh đang rơi ra.
Lặng nhìn người đàn ông bước vội vàng đi về phía trước mà chị đau lòng khôn xiết. Chị ôm con òa khóc, đứa nhỏ nhìn thấy mẹ khóc nó cũng khóc theo. Những giọt nước mắt chia xa chẳng biết khi nào lại đoàn tụ.
***
“Đồng chí Thảnh sướng nhỉ, lần nào về nhà cũng có áo mới”.
“Chú Thảnh sướng nhất rồi, có vợ khéo tay, không như bà nhà tôi, cái áo rách lỗ nhỏ vào tay bả thành áo hai màu”.
Cả đơn vị được trận cười lớn từ câu chuyện cái áo mới của Thảnh. Hầu như lần nào về nhà trở lại đơn vị Thảnh cũng được vợ may cho áo mới. Các anh trong đơn vị ai cũng ghen tị với Thảnh, còn mấy đồng chí chưa có vợ lại thèm thuồng mơ ước có được cô vợ chu đáo như vợ anh.
Anh cười ngại ngùng rồi lấy mấy gói chuối khô chia cho đồng đội. Lại thêm một lý do nữa để các anh bàn tán xôn xao, so sánh. Có đồng chí vừa hơn mười tám tuổi cũng chen vào ao ước.
“Giá mà em cũng tìm được cô vợ như vợ anh Thảnh thì đời này em chẳng còn gì tiếc nuối”.
“Chứ không phải chú mày đang thương thầm cô giao liên có đôi mắt bồ câu đó sao”.
“Ủa sao các anh biết?”.
Cả đám lại được trận cười bò. Xa nhà ai cũng mang trong mình nhiều nỗi âu lo thương nhớ người thân. Nhưng rồi khi có thời gian ngồi lại bên nhau, các anh em cùng trò chuyện tâm sự giúp nhau vơi đi nỗi nhớ nhà, cùng động viên nhau cố gắng. Ngoài tình đồng đội họ còn xem nhau như những người thân trong gia đình, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau. Cười nói vui vẻ là thế nhưng khi cần nghiêm túc, họ cũng tập trung và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí đại đội trưởng bảo sắp tới có trận đánh lớn, chỉ cần giành được thắng lợi là đất nước sẽ được hòa bình. Sẽ không phải xa người thân nữa, sẽ không còn có cuộc chia ly nào nữa.
Trước ngày ra trận, mọi người đều viết một lá thư để lại. Hy sinh là điều không ai muốn nhưng không phải lấy đó làm sợ hãi. Vì tổ quốc vì độc lập tự do họ có thể sẵn sàng hy sinh. Thảnh cũng viết một lá thư cho vợ ở nhà. Lúc nào trước khi ra tiền tuyến anh đều viết thư và luôn hy vọng lá thư này sẽ không cần phải gửi cho vợ anh.
***
“Báo cáo đại đội trưởng, đồng chí Thảnh trúng đạn bị thương rất nặng”.
Thảnh được đồng đội làm lá chắn và đưa anh vào nơi an toàn. Cả người Thảnh một màu đỏ thẫm, máu vẫn còn đang loang ra từ ngực trái anh. Một đồng đội đang cố lấy tay mình ép lên ngực anh, không ngừng động viên anh cố gắng chịu đựng. Mắt anh dần mờ đi dù bên tai tiếng đạn pháo vẫn còn rềnh vang.
“Đồng chí Thảnh, chú có nghe tôi nói gì không? Chú phải cố gắng lên, tôi vừa nhận được tin, vợ chú lại có thai rồi. Chú lại có thêm đứa con nữa rồi. Chú phải cố gắng, cố gắng để trở về gặp đứa con chưa chào đời biết không?”.
“Đồng chí Thảnh, tôi ra lệnh cho đồng chí không được phép ngủ”.
Thảnh mỉm cười khóe mắt có dòng chất lỏng chảy ra.
***
Nhỏ Hiền đang bế con gái chị chơi trước sân nhà thì đột nhiên chị thấy ba nó từ xa. Chị mừng rỡ, ba nhỏ Hiền về tức là chồng chị cũng về.
“A… ba về, ba về rồi. Độc lập rồi đúng không ba? Ba không cần đi nữa đúng không ba?”.
Nhỏ Hiền tíu tít bên chân ba nó. Ba nó xoa đầu nó, đôi mắt không giấu được nỗi buồn man mác.
Chị nhìn ngó khắp nơi nhưng vẫn không thấy chồng mình đâu còn chưa kịp mở lời thì ba nhỏ Hiền bảo.
“Thảnh nó ở đây”.
Ba nhỏ Hiền đặt balo lên bàn rồi từ trong balo lấy ra một hũ gì đó được phủ bằng một lớp áo.
Nhìn lớp áo quen thuộc đến từng đường kim mũi chỉ chị bật khóc nức nở ôm chầm lấy hũ tro cốt.
“Anh nói ít bữa nữa anh về mà, sao anh không giữ lời. Em có thai rồi, anh không về thì ai đặt tên cho con đây”.
***
Hân đang dọn cơm lên để hai bà cháu cùng ăn thì một người đàn ông bước vào. Bà Năm vừa nhìn thấy người đàn ông đã mừng rỡ reo lên.
“Anh Thảnh, anh về rồi. Nhanh đến ăn cơm nè”.
Hân giật mình rồi đỏ hoe mắt quay mặt đi.
Người đàn ông bước đến ôm lấy người phụ nữ rồi thủ thỉ bên tai.
“Má ơi! Con là Thơi, con trai của má. Ba đi xa không về nữa má à”.
Bà Năm đẩy người đàn ông ra, bàn tay nhăn nheo gầy guộc mò mẫm lên gương mặt người đàn ông.
“Ừ thằng Thơi đây mà. Còn ông không về nữa rồi”.
Gửi phản hồi
In bài viết