Mùa suối lũ

- Tôi nhớ, vào một ngày suối lũ, có một người đàn ông lạ gầy gò, vai đeo chiếc ba lô cũ kỹ, tay cầm lá cọ che, mưa quất lộp độp, tìm đến nhà tôi. Ông giới thiệu tên là Xù đến đây tìm đào đất và đào giếng thuê.

Trông ông gầy gò ốm yếu thế kia thì đào đất làm sao. Nhìn ra bầu trời mịt mùng mưa gió, con đường dẫn vào bản bùn đất nhão nhoét, trơn trượt, bố mẹ tôi thương tình mời ông ở lại. Trong bữa cơm, khi bố tôi hỏi về gia cảnh, tôi thấy ông Xù tìm cách lảng sang chuyện khác. Đoán ông có nỗi niềm gì đó không tiện nói ra nên bố tôi thôi không hỏi nữa. Bản tôi miền núi, dùng nước máy khoan của nhà nước, có nhà bắc nước lần thẳng từ khe núi về nên không có nhu cầu đào giếng. Khi nhà nào làm nền nhà thì đổi công gúp nhau làm nên hiếm khi thuê người ngoài, thành ra ông Xù ở nhà tôi mấy hôm vẫn chưa kiếm được việc. Thương ông, bố mẹ tôi bàn nhau mở rộng cái ao mặc dù ao đã rất rộng. Ông Xù kỳ cạch đào, đào được một lúc lại ngồi thở khò khè. Ông ít nói, chưa bao giờ cuộc đối thoại của tôi và ông dài quá ba câu. Từ ngày ông Xù đến nhà, anh em tôi phải nhường gian ngoài cho ông nằm và chuyển xuống gian giáp với gian bếp. Ông Xù hay uống rượu, nhiều đêm ông nằm đập chân, đập tay, ú ớ mê sảng làm cả nhà tỉnh giấc. Có đêm ông mộng du, đi qua gian anh em tôi nằm, dẫm vào đùi tôi đau điếng. Có đêm ông bật dậy, chạy khắp nhà miệng hô ầm ĩ: “Xung ph…o…ng…”. Bố mẹ tôi quan tâm ông như người trong nhà. Còn với anh em tôi, càng ngày càng cảm thấy khó chịu vì sự có mặt của ông trong nhà. Tôi thầm trách bố mẹ tôi quá thương người, rước phiền hà về nhà. Tiền công ông Xù đào đất không đủ bù vào tiền ăn, trong khi nhà tôi đâu có khá giả gì.

Một hôm sang nhà chú Kính chơi, anh tôi đem chuyện ông Xù ra kể. Chú Kính mắt ánh lên tinh nghịch rồi ghé tai anh em tôi bảo: “Chú có cách, này nhé, các cháu về làm một bài thơ, cho vào ba lô của ông ấy, rồi hôm sau ông sẽ tự đi. Để chú biếu cháu hai câu đầu nhé: Bác Xù quê ở nơi nao/Mà sao bác cứ đào ao không về?...”.

Anh em tôi hí hửng về, vắt óc nghĩ thêm được mấy câu: Anh em máu mủ chẳng gần/Mà sao bác cứ lần khần đào ao/Bố cháu thiếu miếng thuốc lào/Nhưng tiền lại để đào ao hết rồi… Trưa ấy, anh em tôi bỏ bài thơ vào ba lô của ông Xù rồi theo dõi xem phản ứng của ông ra sao. Ông Xù lôi quần áo để tắm, bài thơ rơi ra ngoài, ông cầm lên đọc, mặt bỗng tối sầm lại. Ông ngồi thừ ra như pho tượng. Một lúc bằng động tác rất nhanh, ông vo tròn bài thơ và ném vào bếp lửa. Tối ấy, ông xin bố mẹ tôi cho nghỉ làm. Bố mẹ tôi nhìn ông ái ngại, già yếu như ông thì có ai thuê? Bố mẹ tôi cố giữ nhưng ông Xù cứ nằng nặc đòi nghỉ. Sáng hôm sau ông đi thật sớm. Chẳng hiểu sao hôm ấy trời sầm xì rồi đổ mưa như trút nước. Dòng suối Cốc Trò lũ về cuồn cuộn, cuốn phăng mọi bè gỗ, rác rưởi, cây cối. Từ hôm ấy, ông Xù không còn ở bản tôi nữa. Ông đi đâu không ai biết. Có người bảo giữa lúc mưa gió thấy ông đội lá cọ đi về phía suối lũ. Nhiều người bảo nhau chắc ông Xù bị lũ cuốn đi rồi. Sau lần ấy, anh em tôi thực sự hối hận, một thời gian dài không lúc nào tôi không nghĩ về ông Xù. Bố mẹ tôi thì luôn thắc mắc không biết tại sao ông lại nằng nặc bỏ đi.

Anh tôi thi đỗ hai trường Đại học, một trường học về ngữ văn, một trường học về mỹ thuật. Bố mẹ tôi muốn anh theo học ngữ văn vì học mỹ thuật ra, quê tôi chưa có đất dụng người, dụng nghề, nhưng anh tôi kiên quyết đòi học mỹ thuật. Lý do tại sao chỉ mình tôi hiểu. Anh tôi rất giỏi môn văn nhưng anh sợ văn thơ bởi mấy câu thơ anh em tôi viết đã “giết chết” hẳn một con người còn gì. Bản tôi nghèo, ít nhà có điều kiện cho con học lên cao. Anh tôi là người đầu tiên trong bản đi học Đại học. Bố mẹ tôi làm việc quần quật, nuôi lợn, trồng ngô, trồng sắn vẫn không đủ tiền cho anh ăn học, phải đi vay mượn khắp bản rồi xuống phố huyện làm thuê.

Năm ấy, mùa mưa lũ đến sớm, gió lốc lật nửa mái cọ nhà tôi, mưa quất vào chỗ tôi nằm ướt sũng. Tôi lên gian giữa ngồi nhìn trời sấm chớp nhì nhằng đợi trời sáng. Mưa ngớt dần, trời hửng sáng thì ngớt hẳn. Dòng suối Cốc Trò thôi hung dữ, nước bắt đầu hạ, trơ ra những mảng cát bồi hai bên bờ. Tôi nhìn ra suối, thấy có bóng người đàn ông mờ mờ, gầy gò, lưng hơi gù, một tay cầm lá cọ giơ trên đầu, một tay cầm gậy đang đi dọc bãi bồi. Ông Xù! Trời ơi hồn ma ông Xù về. Tôi dụi mắt chạy xuống sân để nhìn cho rõ. Đúng là ông Xù, đang đi về phía đoạn suối trước nhà tôi. Chẳng biết do tò mò hay lực hút ma mị nào đó dẫn tôi ra bờ suối, mò theo ông. Không phải hồn ma mà là ông Xù thật. Chân ông lội nước tạo ra tiếng động hẳn hoi, tay ông cầm một cây gậy, đầu gậy có cắm một chiếc nan hoa xe đạp nhọn hoắt, trên vai ông đeo một cái tải cũ, trong tải có con vật gì đó bò lạo khạo. Tôi nấp vào bụi cây theo dõi ông từng động tác.

Ông Xù cầm gậy nan hoa xăm xuống những đụm cát bên mép suối, gần chỗ có nước chảy. Có chỗ ông vòng đi, vòng lại như soi tìm dấu vết gì đó rồi xăm tiếp. Xăm ba bốn đụm cát, ông cúi xuống, moi lên một con ba ba. A, hay quá! Bây giờ tôi mới biết những đụm cát ven suối bản tôi có ba ba, có lẽ sau mỗi trận lũ chúng bơi ngược dòng từ hồ Thác Bà lên. Vậy mà người bản tôi từ trước tới giờ không ai biết đi bắt. Hóa ra bấy lâu bỏ nghề đào đất ở bản tôi ông Xù sống bằng nghề xăm tìm ba ba này. Tôi nhảy chân sáo về nhà, lòng ngập tràn vui sướng bởi lẽ bài thơ trước đây anh em tôi viết đã không làm chết người và một điều vui sướng nữa là tôi đã học được bí quyết và nghề xăm tìm ba ba của ông Xù. Tôi về kể chuyện gặp ông Xù cho bố mẹ nghe, bố mẹ tôi vui lắm, cứ trách mãi sao không hỏi xem ông ở chỗ nào để bố mẹ đi thăm.

Từ hôm gặp lại ông Xù tôi cứ mong suối lũ, mà năm ấy mưa lũ nhiều thật. Cứ hôm nào mưa to gần như nửa đêm tôi đã dậy, thấp thỏm mong trời sáng. Tôi phải đi trước khi ông Xù dậy. Sáng chưa rõ mặt người tôi đã đeo tải, cầm gậy nan hoa đi xăm tìm ba ba từ giáp thượng nguồn đến đoạn suối bản hòa vào hồ Thác Bà mênh mông. Bắt chiếc ông Xù, tôi cứ xăm vào những đụm cát mới nổi, gần chỗ nước chảy xiết. Tôi phát hiện ra tiếng nan hoa xăm vào đá và cát thì đanh, tiếng nan hoa xăm vào ba ba thì âm đục. Cứ thế có lần tôi xăm được ba, bốn con, có lần được những năm, sáu con. Bố mẹ tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng vì có tiền gửi cho anh tôi ăn học từ khoản tiền bán ba ba, không phải đi làm thuê nhiều như trước nữa. Còn tôi, khỏi phải nói tôi sung sướng đến mức nào.
Một hôm mẹ đi chợ về, vẻ mặt thoáng buồn, mẹ gọi bố con tôi lại như có chuyện hệ trọng: “Hôm nay đi chợ, tôi đã hỏi dò ra chỗ ở của ông Xù. Ông dựng lán ở ven hồ Thác Bà ấy và sống bằng nghề xăm ba ba, nhưng… mọi người bảo dạo này có ai đó xăm ba ba rất giỏi đã xăm lấy hết, mất nghề, nên… mấy hôm nay ông ốm, hết gạo ăn, thương lắm bố con mày ạ…”. Rồi bố mẹ nhìn sang tôi, cả ba cùng ngồi im lặng. Vậy là lần thứ hai tôi lại mắc lỗi với ông Xù, suýt đẩy ông đến cái chết. Một lúc lâu, mẹ định nói gì đó nhưng thấy tôi đứng dậy, lấy cây gậy nan hoa cất lên gác bếp nên thôi. Tôi biết bố mẹ tôi hay thương người, thà chịu vất vả làm thuê chứ không nỡ nhìn ông Xù thiếu đói. Từ hôm đó tôi không đi xăm ba ba nữa.

Bẵng đi một thời gian, cũng vào mùa suối lũ, tôi vẫn nằm cuộn tròn trong chăn thì nghe có tiếng gọi, giọng quen quen. Tôi mở cửa sổ ngó ra thì thấy ông Xù, tay cầm lá cọ, người bị mưa hắt ướt sũng, vừa đi vừa gọi: “Khủ à, dậy đi, dậy mà đi xăm ba ba…”. Tôi tung chăn vùng dậy, nhìn ông, không biết nói câu gì. Ông Xù bước lên nhà, giục: “Dậy đi, xăm ba ba lấy tiền cho anh ăn học, chứ để bố mẹ đi làm thuê mãi à, mệt nhọc lắm… Mùa lũ trước bắt được ba ba, ông để một phần nuôi làm giống, bây giờ nó đẻ ra con, ra cháu… ông không phải đi xăm nữa đâu”. Tôi tung chăn vùng dậy, chạy xuống bếp lấy tải, lấy gậy rồi ôm chầm lấy ông Xù, chỉ muốn òa khóc vì sung sướng. Mỗi lần nhận được một khoản tiền kha khá, gửi xuống không định kỳ, anh tôi lại điện về, câu đầu tiên lần nào anh cũng hỏi: “Quê mình lại vừa suối lũ to hở mẹ?!...”.  

Tôi lớn lên, rồi đi học xa nhà, cứ mùa suối lũ về tôi lại nhớ cái cảm giác sướng rơn khi xăm được một con ba ba… và có lẽ, hằn sâu trong ký ức của tôi vẫn là cái tình giữa con người với con người.

Truyện ngắn: Nông Quang Khiêm

Tin cùng chuyên mục