Quà Tết

1. Phố chật. Người đông. Giáp Tết con lộ trung tâm thị trấn nườm nượp. Ngược xuôi, nhóng mắt cố tìm cho ra cái tiệm sửa đồng hồ. Cô đồng nghiệp chỉ: có cái tiệm đồng hồ nơi góc phố, gần chợ… Cuối năm, cô giáo tôi tình cờ lên mạng săn được cái đồng hồ second hand hàng hiệu đeo diện Tết. Ưng ý quá; nhưng sợi dây đeo hơi rộng cần tháo bớt; vậy nên mới phải lặn lội đi tìm cái tiệm đồng hồ…

Lâu lâu mới được dịp quan sát chuyện làm ăn ngày giáp Tết của một ông chủ tiệm… “thập cẩm”. Người vào sạc gaz bật lửa; người đòi mua/sửa kính đều được đáp có ngay. Anh thợ cứ quay mòng mòng, “chạy sô” hết trái sang phải cho dù cái điện thoại của ông cụ “bạn hàng” vẫn tháo để ngổn ngang trên bàn, đầu một nơi đít một ngả. Vừa gồng lưng phục vụ “chư Thượng Đế” anh vừa than: ngày ăn không hết ngày tìm không ra; chẳng hiểu sao trăm thứ hầm bà lằng người ta cứ để dồn tới Tết? Ông cụ sửa điện thoại bật cười khan: cái thằng! vậy mới vui, mới ra Tết chớ mậy? cứ im im như ngày thường thì Tết nhất gì? Ờ há, vài người khách ngồi chờ cũng bật cười theo. Duy nhất một cô bé đứng nép mé tủ là không cười. Giờ mới thấy. Ngạc nhiên nhìn kỹ: cô bé vòng tay cúi đầu, mái tóc xõa, bộ dạng thiểu não…

Quyên, em làm gì ở đây??

Anh thợ ngước mắt, ngạc nhiên:

Cô quen nó à?

Quen. Học trò tôi mà. Sao vậy anh?

Ra còn là học trò cơ đấy. Ăn cắp chứ sao. Mới nứt mắt…

Hả? Nó ăn cắp cái gì của anh??

Điện thoại. Cô xem đây...

Anh thợ thò tay vào hộc bàn lôi ra cái điện thoại Samsung nhỏ xíu xiu, chỉ có chức năng nghe/gọi.

Con ranh này, nó thừa cơ tôi đang bận việc lẻn thò tay vào tủ tính “chôm”. May tui cảnh giác cao nên mới phát hiện. Đã vậy bảo kêu người nhà đến giải quyết nó nhất định không; nói không có ai ở nhà ngoài bà ngoại đang bệnh! Điêu chưa? Tôi là tôi cho đứng đó… tới chiều xem có đúng “không ai ở nhà” không??

Thôi, anh bớt giận, để tôi hỏi nó thử đầu đuôi coi sao…

Vâng, cô giáo xem được giải quyết giùm tui. Tết đến đít rồi, thật bực hết sức!

Tạm dừng cuộc thoại bất đắc dĩ, tôi quay sang ngoắc con bé học trò ra một góc. Cô bé ngập ngừng thiểu não đi theo cô giáo, nước mắt lưng tròng. Quyên, sao em đi ăn cắp điện thoại? Cô biết, em không phải đứa học trò hư tới mức đi ăn cắp. Nói cô nghe, em cần điện thoại để làm gì??

Dạ… thưa cô, dạ… hức hức… Ấp úng; xong bật khóc ròng. Em bình tĩnh; nói đi, cô nghe? Dạ, ngoại em bệnh, hết tiền mua thuốc.

Em cần liên lạc gấp với má mà điện thoại em hư…

Ủa, chớ má em ở đâu?

Dạ, ở Sài Gòn. Má đưa ba em vào Sài Gòn bán vé số. Ba em bị tật, nằm xe lăn…

Mình em ở nhà với ngoại?

Dạ.

Ngoại em bao nhiêu tuổi?

Dạ, tám chục. Ngoại em bị mù…

Ruột gan tôi bỗng cuộn ngược lên, đau quặn. Con bé Quyên trên lớp hiền lành, học khá môn Văn tôi cứ nghĩ em chí ít cũng có một gia đình bình yên. Tự rủa mình vô tâm. Nhưng khoan; cần kiểm chứng xem đây có phải “khổ nhục kế” để thoát tội không. Lũ học trò giờ nhiều đứa quái lắm. Thêm nữa, tôi chỉ là giáo viên bộ môn, không phải chủ nhiệm…

Chuyện ấy không khó.

A lô, chị Hoài chủ nhiệm nó, mới biết chị vừa kiến nghị lên Ban Giám hiệu xin cho nó được miễn học phí và các khoản đóng góp…
Ra vậy. Giờ thì ruột không chỉ đau; dường như nó muốn đứt!

2. Tôi nhớ đến tuổi teen của mình. Không giàu; nhưng mẹ cũng cố gắng buôn gánh bán bưng lo cho tôi đủ cơm ăn áo mặc. Có điều ăn no mặc ấm chứ chưa thể ăn ngon mặc đẹp. Vậy nên tôi luôn sân si với mẹ mỗi khi đến trường thấy mình thua đám bạn nhà khá giả từ manh quần, tấm áo tới đôi giày. Khổ; lớp tôi chắc tới tám phần mười con nhà khá giả.

Mẹ, bạn con đi học mặc toàn “đồ hiệu”; mình con quần áo không giống ai, quê lắm!

Cố gắng chịu đựng đi con; nhà mình nghèo…

Lúc nào mẹ cũng nghèo, nghèo. Thật chán như… con gián!

 Mẹ im, vẻ nhẫn nhục và chịu đựng. Được thể, tôi làm tới:

Còn xe đạp của con nữa; “tiền sử” gì đâu á. Lũ bạn cứ trêu con: thấy mày đạp xe xa xa tao tưởng… bà mua nhôm nhựa! Bực muốn chết! Không mua nổi xe điện ít ra mẹ cũng phải kiếm tiền đổi cho con chiếc Martine…

Lần này thấy mẹ có vẻ lung lay. Mẹ thở dài, nhìn lại nhìn đi chiếc xe đạp cũ của tôi dựng ở góc nhà. Nó xấu thật. Cho dù chạy tốt thì ngoại hình vẫn cổ lỗ; rất xấu! Đột ngột, mẹ cố sức - như muốn hất một tảng gì đó đang đè ngang ngực:

Thôi được, để mẹ tính…

Tôi không bỏ lỡ thời cơ, nhào tới ôm cổ mẹ:

Đó, mẹ hứa rồi đó! Không được nuốt lời đâu nha…

Thật tình, may mà mẹ hứa kịp. Mẹ không biết - tôi đang âm thầm nuôi một âm mưu: hễ mẹ không chiều, tôi sẽ tìm cách… quăng chiếc xe đâu đó cho trộm dắt luôn đi; xem mẹ có đành lòng để tôi đi bộ đến trường không??

… Nhớ lại, mấy lần gặp con bé Đỗ Quyên đi học đều ngồi sau xe bạn. Có khi còn đi bộ. Hình như em chưa có xe. Hay xe hư không tiền sửa cũng chưa biết chừng??

3. Anh Tám này…

Sao cô? Nó có khai ra gì không??

Khai hết rồi. Nhà nó “hoàn cảnh” thật đó anh. Ba mẹ làm xa. Nhà hết tiền, bà ngoại lại ngã bệnh, cần điện thoại quá nên lỡ dại làm liều chứ xưa giờ nó vốn ngoan. Thôi; coi như “trò dại cô mang”, tôi thay mặt gia đình, nhà trường xin lỗi anh, hứa sẽ có biện pháp chấn chỉnh, giáo dục em. Mong anh thông cảm, cho qua lỗi lầm của em nó lần này…

Anh thợ Tám cười:

Tôi cũng chỉ định dọa cho nó sợ - chứ con nít con nôi, làm gì được mà không cho qua? Thôi, có cô “bảo lãnh” thì tốt; không tôi lại phải đi… mua cơm cho nó càng khổ hơn! (cười). À, mà hoàn cảnh nó sao cô kể thử tôi nghe?

Tôi thuật - ngắn gọn những gì tôi vừa biết. Anh Tám nghe, không ngớt chẹp lưỡi.

Đúng là đời, cảnh gì cũng có. Coi ra tôi trách hơi oan con bé rồi. Bé! (ngoắc ngoắc) Lại đây chú bảo…

Con bé sợ sệt bước một lại gần, đứng nép bên cô giáo. Anh Tám lập nghiêm:

Nghe chú nói này: đây lần đầu, lại có cô giáo xin cho nên chú tha. Lần sau sẽ… đem nộp công an, nhớ chưa? (mủm mỉm).

Dạ, con nhớ. Con không dám nữa. Con xin lỗi chú…

Tốt! Còn giờ thì đây…

Thò tay vào tủ lôi ra cái điện thoại “tang vật”, anh Tám dứt khoát chìa sang hai cô trò:

Cháu cầm đi. Coi như quà Tết của chú…

Bé Quyên hoảng sợ lét mắt nhìn cô, tay giấu sau lưng. Tôi lật đật:

Ui, không được đâu anh. Em nó phạm lỗi, anh tha cho là may. Ai lại…

Không sao; cô cho phép cháu nó nhận đi. Cô trò cô không nhận món quà này là… coi thường tôi đó! (nghiêm mặt).

Biết không thể từ chối, tôi nhìn Quyên gật đầu bảo khẽ: nhận đi em. Đỗ Quyên ngượng ngùng giơ hai tay đón chiếc điện thoại, miệng lí nhí: con cám ơn chú…

Ngoài kia, nắng chợt bừng, rẽ sang bên tấm áo mây chì cuối Đông vẫn còn rớt rơi ít nhiều ảm đạm. Mùa Xuân đang về… 

Truyện ngắn: Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục