Thơ Trần Như Liêu

- Câu lạc bộ Thơ Tân Bình, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) hàng tháng vẫn hoạt động đều đặn, sôi nổi. Những người yêu thơ trên địa bàn đều đổ về đây giao lưu, đàm đạo, chia sẻ những tác phẩm mới. Trung tá quân đội Trần Như Liêu - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang cũng là một hội viên tích cực của câu lạc bộ. 

Bài thơ đầu tiên ông viết về Nhà máy Z113 thân yêu của mình, nơi ông công tác gắn bó mấy chục năm trời. Thời điểm đó khi Nhà máy vinh dự đón danh hiệu Anh hùng lao động lần hai, ông xúc động viết bài thơ Nhà máy của tôi.

Mở đầu ông viết: “Tôi muốn viết ngàn lần/Cái tên tôi yêu mến nhất/Nhà máy của tôi!/Bằng tấm lòng chân thật/Nhà máy của tôi!/Bốn mùa cả bốn mùa vui/Bốn quý rạng ngời/Bốn kì thu hoạch/Quý I triển khai nhanh/Quý II tăng đột xuất/Quý III về đích/Quý IV lợi nhuận cao”…

Tiếp khách trong căn nhà riêng tại khu phố LiBi, tổ 16, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang), Trung tá Trần Như Liêu tâm sự, ông quê gốc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1963 ông theo gia đình lên khai hoang tại xã Đông Hữu nay là xã Đông Thọ (Sơn Dương). Hồi học phổ thông trường làng ông rất thích học môn Văn và từng được giải khuyến khích cấp huyện. Sau khi học hết lớp 10 phổ thông ông ở nhà làm ruộng.

Năm 1975 gia đình xin ông sang làm công nhân cho Nhà máy Z113 đóng ở xã Đội Cấn (Yên Sơn), nay là phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang). Do có thành tích công tác tốt, ông được Nhà máy cử đi sang Li Bi lao động hợp tác 2 năm. Nhờ có năng khiếu văn chương, sau này ông được cử lên làm trợ lý tuyên huấn cho Phòng Chính trị, năm 2009 được nghỉ hưu với hàm Trung tá.

Nghỉ hưu là thời gian vàng giúp Trung tá Trần Như Liêu bắt tay vào sáng tác thơ một cách nghiêm túc. Trong các thể loại của văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký thì ông chỉ chọn thơ để sáng tác, đây là thế mạnh của ông. Đến nay nhà thơ Trần Như Liêu đã sáng tác khoảng 200 bài thơ các loại. Ông đã có tác phẩm thơ in chung với các tác giả trong cuốn sách “Hương đất Việt”, “Hoa trái xứ Tuyên”. Nhà thơ cũng đã tập hợp các bài xuất sắc để in trong hai tập thơ riêng của mình “Mẹ và quê”, “Khu phố tôi”. Ông sáng tác ở nhiều thể loại thơ, nhưng thích nhất thể loại thơ tự do. Trung tá Trần Như Liêu thích đọc, ngưỡng mộ ở tài năng, tư tưởng, sự lãng mạn của các nhà thơ cách mạng như Chế Lan Viên, Tố Hữu. Với sự nỗ lực trong sáng tạo thơ, năm 2016 ông chính thức được kết nạp vào Chi hội Văn học - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Có lẽ cả cuộc đời gắn bó với quân đội, quốc phòng nên nhà thơ Trần Như Liêu có nhiều vốn sống, kỷ niệm, cảm xúc về mảng này. Bài Khu phố tôi cũng mang âm hưởng như vậy: “Những người về hưu/Có người đã qua hai thời trận mạc/Vào Nam, ra Bắc không tiếc máu, xương/Người thanh niên xung phong/Mở đường ra chiến dịch/Chân đồng, vai sắt/Vượt suối, trèo non… Khu phố tôi/Những người về hưu/Mỗi người một việc/Không ai sống riêng mình/Là cựu chiến binh/Trọn nghĩa, vẹn tình/Đồng tâm, son sắc”.

Còn bài Bên tượng đài nhà máy Z2, ông viết: “Đi suốt dọc thời gian/Năm mươi năm rồi nhỉ/Từ buổi còn hồng hoang/Dấu chân người vắng vẻ… Hôm nay trên đồi cao/Giữa bốn bề lộng gió/Lịch sử đã thêm trang/Quá nửa vòng thế kỷ/Ơi!Tượng đài hùng vĩ/Chiến công nối chiến công/Ơi! Nhà máy của mẹ/Anh hùng và anh hùng!”.

Dù đi đâu nhà thơ Trần Như Liêu cũng nhớ về quê và người mẹ hiền tảo tần của mình. Trong bài Mẹ và quê có đoạn: “Quê tôi, chuyện của ngày xưa/Những năm chưa có con đê đầu làng/Quê tôi đồng trũng, nước trong/Sáu tháng lội ruộng, nửa năm đi thuyền/Quê nghèo, lưng mẹ sớm còng/Cái riu, con tép thâu đêm, tối ngày”. Dù mấy chục năm làm súng đạn tưởng như khô cứng, nhưng nhà thơ Trần Như Liêu vẫn lấy thơ văn làm cân bằng, uyển chuyển cuộc sống. Bài Bất chợt mùa đông cho ta cảm xúc đó: “Bất chợt hàng cây trút lá/Chỏng trơ cành bỗng dại khờ/Bất chợt đêm đêm gió hú/Thương ai chín đợi mười chờ/Bất chợt con sông tĩnh lặng/Lơ ngơ doi cát giữa dòng/Bất chợt đồng xa vàng rộm/Nhạt nhòa sương muối còn vương”.

Chất trữ tình, lãng mạn trong thơ Trần Như Liêu cũng đậm đà như con người ông. Bài Bến xưa đưa ông về những miền kỷ niệm: “Dĩ vãng đâu nào gọi Bến xưa?/Vẳng nghe man mác nhịn đò đưa/Dòng sông ngàn tuổi còn chưa cũ/Đến đợi thuyền chờ trong nắng mưa/Bữa ấy hoa mua chửa đến thì/Mái chèo con gái lái tôi đi/Bóng em thăn thắt đùa trên sóng/Đè thác đổ ghềnh thật diệu kỳ”. Bài Thu sang cũng nói lên tâm hồn của nhà thơ: “Thu sang hoa cúc nở vàng/Mơn man ổi chín lan sang bên này/Ngồng cao cải ngọt nồng cay/Vườn cao bưởi ngọt mọng đầy sương đêm/Nắng hàng veo vót heo hanh/Mong manh hoa sữa tan nhanh sân chùa/Thu sang, trẻ khéo nhắc già/Đến Trung thu lại có quà cho con!”.

Nhà thơ Trần Như Liêu có sự quan sát, cái nhìn tinh tế về cảnh vật, con người. Bài Trăng treo ông viết: “Nước sôi từ dưới sôi lên/Trăng treo từ mảnh lưỡi liềm trăng ơi!/Mong manh chiếc lá lủng trời/Bồng bềnh là mảnh trăng trôi bồng bềnh…”. Tuyên Quang là quê hương thứ hai của ông, nhiều địa danh ông đưa vào thơ như bài Núi Dùm: “Núi Dùm ai nấy thưa dùm/Du nhân vãng khách thả hồn vào mây/Đầu nguồn chim mải lượn bay/Cuối thung tấp nập ong xây tổ mềm”.

Ở tuổi 72 nhà thơ Trần Như Liêu có nhiều chiêm nghiệm cuộc sống. Đối với ông cây cỏ xung quanh nhà cũng có thể nên thơ. Thơ với ông là nguồn sống tinh thần vô tận, làm cuộc sống nhẹ nhàng, thi vị hơn…
 

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục