Ngồi trong xe nghe tiếng còi cấp cứu hú từng hồi, nghe tiếng mẹ kêu rên vì đau, nước mắt tôi cứ chực tuôn trào. Tôi nắm tay mẹ, cố vỗ về, an ủi: “Sắp tới nơi rồi, mẹ chịu khó chút nữa nhé”. Lúc đầu mẹ có vẻ nghe, nằm im và rên khe khẽ. Nhưng khi xe đi qua những đoạn đường xóc mẹ lại vật vã, rên la: “Trời ơi, đau quá! Sao cứ nói sắp, sắp, sắp... mà mãi vẫn chưa tới? Mấy trăm cây số xa lắm, mẹ đau lắm, không chịu được nữa rồi! Cho mẹ về nhà đi! Biết thế này mẹ chả đi nữa. Cho mẹ về đi, mẹ không đi chữa nữa đâu”... Chả là, khi sáng nghe bác sỹ nói cho mẹ chuyển tuyến về Hà Nội điều trị, thấy các con lo mẹ yếu quá không biết có đủ sức về tới đó không, mẹ bảo: “Mẹ còn đi được, các con cho mẹ đi Hà Nội nhé, về đó nếu họ chữa được thì tốt, nếu không thì mẹ cũng mãn nguyện”...
Ơn giời, hơn 90 tuổi rồi, mẹ vẫn đi lại bình thường, hàng ngày tự vệ sinh cá nhân, tự pha sữa uống... Với tuổi tác của mẹ, mỗi tháng mẹ đến thăm bác sĩ, hoặc nằm viện đôi ba lần cũng là chuyện bình thường. Nhưng lần này thì khác hẳn. Bệnh của mẹ không phải bệnh cũ, lại tiến triển rất nhanh, càng chữa trị càng nặng. Và khi về tới Bệnh viện TW thì bệnh đã quá nặng. Rồi tuổi cao, sức yếu, bệnh này chưa dứt thì lại thêm bệnh khác...
Nhưng thật may mắn là mẹ đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật và đang từng ngày vượt qua những cơn hiểm nghèo, với sức chịu đựng đáng ngạc nhiên. Có lẽ cuộc đời trải nhiều khó khăn vất vả đã cho mẹ sự bền bỉ, dẻo dai, như một phép màu giúp mẹ vượt qua những cơn đau vật vã, những mũi tiêm, truyền kháng sinh liên tục suốt ngày đêm, ròng rã gần một tháng trời.
Tuổi thơ, khi mới hơn 10 tuổi, mẹ đã mồ côi cha. Mẹ sớm phải cùng chị gái và mẹ làm lụng vất vả để duy trì cuộc sống của sáu mẹ con. Đến khi lấy chồng, chồng đi bộ đội, rồi công tác xa nhà, mẹ lại một mình chăm lo 5 đứa con thơ dại và mẹ chồng già yếu. Một mình mẹ đã lo toan tất cả, từ nhà cửa, ruộng vườn, từng miếng cơm, manh áo cho mẹ già và đàn con. Rồi những tháng ngày mẹ gồng gánh các con, mẹ chồng đi tản cư tránh máy bay Mỹ bắn phá. Rồi có những đêm mẹ một mình ôm em Thanh băng đồng, vượt suối đến bệnh viện cấp cứu... Mẹ vừa làm mẹ, vừa làm cha suốt những năm tháng tuổi thơ của chúng con...
Mẹ ơi, giờ đã sắp qua rồi những trắng đêm mẹ không ngủ, vật vã với đớn đau, với những cơn mê sảng, cào cấu bác sĩ, mắng mỏ các con. Và cũng sắp qua rồi những phút giây lòng chúng con quặn thắt, bất lực khi nhìn mẹ nằm co ro như con mèo hen, đôi mắt vô hồn, ngấn lệ và giọng mẹ thều thào năn nỉ: “Con ơi, mẹ xin con cởi trói cho mẹ với. Mẹ đau lắm!” (vì mẹ hay giãy giụa nên bác sĩ phải tạm buộc chân tay mẹ vào giường để kim tiêm, truyền không bị chệch ven).
Những lúc ấy con chỉ đành quay nhìn đi chỗ khác, nuốt nước mắt vào trong, lòng thầm cầu trời khấn phật cho mẹ đủ sức chịu đựng. Ước gì chúng con có thể gánh bớt những đau đớn này cho mẹ...
“Mẹ già như chuối chín cây”. Cầu mong sao cơn gió bạo bệnh này chỉ rung lay mẹ thôi. Hãy cố gắng thêm một chút nữa để vượt qua mẹ nhé. Chúng con tin rằng nhất định mẹ sẽ làm được. Tất cả các con trai, gái, dâu, rể, tất cả các cháu, chắt luôn bên mẹ. Các y, bác sĩ vẫn đang ngày đêm tận tâm đồng hành cùng mẹ...
Mẹ ơi, hãy cố lên nhé! Để nhanh được trở về nhà. Để đến cảm ơn những tấm lòng, tình cảm yêu thương của họ hàng, bà con lối xóm, các cơ quan, đoàn thể, của bạn bè các con, cháu dành cho mẹ. Để chúng con luôn có mẹ mỗi ngày!.
Gửi phản hồi
In bài viết