Tình anh em

- Tết Thanh Minh là một ngày lễ Tết thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. Ngày này, tôi cùng mẹ chuẩn bị đồ lễ để ra phần mộ của những người đã khuất. Đặc biệt, từ tối hôm trước mẹ đã ngâm gạo nếp, sáng ra tôi và bọn trẻ con luôn bị đánh thức bởi mùi thơm nghi ngút tỏa ra từ nồi xôi trong căn bếp của mẹ.

Mẹ bảo, ngày còn sống anh rất thích ăn xôi. Nhưng ngày đó, gia đình mình nghèo lắm. Thường chỉ dịp rằm tháng Bảy mẹ mới làm bánh, thổi xôi; ngày Tết gói bánh chưng. Vì thế, đứa nào cũng thèm cơm nếp. Bữa nào nấu hoặc xôi được nồi cơm nếp là anh tôi ăn mấy bát liền mà không cần thức ăn gì. Nhưng dù có vậy thì anh vẫn không quên giục tôi ăn nhanh lên, không là hết mất.

Nhà tôi có ba anh em. Tôi là em út nên được anh chiều vô điều kiện. Thậm chí chị gái tôi bao phen ghen tức, chờ anh ra khỏi nhà là tìm cách đánh tôi cho hả giận. Nhưng khi về thì anh lại trút giận cho tôi theo cách riêng.

Vào kỳ nghỉ hè, bọn trẻ vùng cao thường rủ nhau đi lấy măng kiếm tiền mua đồng quà. Nhưng quả thực, tôi ngày ấy chỉ đi cùng cho vui chứ ở tuổi lên 5 ấy cả buổi có khi chỉ lấy được chưa đầy chục củ măng. Ấy vậy nhưng bao tải măng của tôi lúc nào cũng chừng được nửa bao. Nặng quá không địu được thì anh lại đỡ. Còn chị gái tôi thì chặt măng chai cả tay, gánh còng cả lưng anh vẫn không hộ. Anh bảo, tôi còn bé, cho tôi đi theo để cho tôi đỡ buồn, chứ ngày hè ở nhà thì chơi với ai. Rồi những buổi đi lấy củi khô trên rừng cũng thế. Rất nhanh, anh cũng đã bó cho tôi một bó củi gọn gàng để tôi kéo về nhà. Cũng bởi thế mà tôi luôn được bố mẹ khen ngợi.

Thế rồi một ngày, anh bỗng lăn ra ốm. Ở cái tuổi 12 với trẻ vùng cao thì đứa nào đứa ấy cũng khỏe mạnh, thường không biết ốm là gì. Anh tôi còn là một người to khỏe hơn đám bạn cùng trang lứa nên khi anh đi viện mọi người không khỏi lo lắng. Và rồi chưa đầy 3 ngày nằm viện, anh đã ra đi. Rất nhanh. Như cách anh làm việc vậy. Thậm chí, hai chị em tôi không kịp nhìn mặt anh. Nước mắt lưng chòng, mẹ kể lại, trước lúc đi, anh gọi tên hai chị em tôi 3 lần rồi lịm đi trên vai mẹ.

Đám tang anh, mọi người bảo phải đốt hết đồ dùng của anh để anh còn sử dụng ở thế giới bên kia. Nhưng khi đang dọn dẹp bàn học, tôi thấy mẹ ngập ngừng mãi. Mẹ bảo, anh dặn sách giáo khoa để lại cho tôi. Vì anh bọc rất cẩn thận, quyển nào cũng mới tinh. Chiếc cặp sách anh yêu thích anh cũng bảo để cho tôi khi vào lớp 1. Đó là chiếc cặp của ông ngoại ở thành phố mua tặng anh vào lớp 3. Nhưng rồi, theo ý của thầy cúng, toàn bộ sách đã đốt gửi cho anh. Duy nhất chiếc cặp sách không đốt mà để lại trên phần mộ của anh.

Thời gian trôi đi, chiếc cặp ấy giờ cũng không còn. Phần mộ của anh đã được xây cất lại. Nhưng ký ức về chiếc cặp sách luôn nhắc tôi nhớ về anh với những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Và tôi tin, ở nơi ấy, anh vẫn luôn dõi theo tôi, chở che tôi vượt qua những mưa nắng cuộc đời.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục