Ẩm thực độc đáo
Bánh gai, bánh lẳng, bánh dày, bánh gio, bánh trôi, bánh chay, bánh chim gâu… là hàng loạt các loại bánh truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phụ nữ thành Tuyên giới thiệu.
Chị Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Tuyên Quang chia sẻ, điều đặc biệt là các loại bánh mang đến đều là đặc sản của mỗi dân tộc, địa phương trong tỉnh. Như bánh gai Chiêm Hóa, bánh lẳng của người Tày, bánh chim gâu của người Cao Lan... Hoạt động này không chỉ thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ mà còn giới thiệu đến du khách gần xa ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hằng, du khách đến từ Thái Nguyên bày tỏ: Chị rất say mê làm bánh nên khi biết thông tin Tuyên Quang có hội thi gói bánh chị đã dành thời gian đến xem và thưởng thức. Chị rất ấn tượng bởi các loại bánh vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc của vùng miền. Ví như chiếc bánh gai, vị thơm mát rất khác lạ,
không giống với bánh gai ở quê chị. Hay như bánh trôi, bánh chay, loại này chị vẫn thường làm nhưng để tạo màu sắc bắt mắt như này, chắc chị phải học hỏi thêm nhiều.
Bí quyết từ cây rừng
Theo quan sát của chúng tôi, điều đặc biệt trong mâm bánh chính là màu xanh, đỏ, tím, vàng nổi bật. Lý giải về điều này, chị Nông Thị Ngọc,
Cây cơm đen, cơm đỏ được người dân T.P Tuyên Quang trồng ở vườn nhà.
Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú cho biết, khi gói bánh chị em dùng lá cây cơm đỏ, cơm đen, nghệ để ngâm gạo nhằm tạo ra màu sắc và hương vị khác nhau. Ví như bánh chim gâu, giờ các chị cũng có thêm màu tím, màu đỏ; bánh chay ngũ sắc, bánh gấc, bánh dày ngũ sắc...
Chị Ngọc cho biết thêm, để có thể tạo màu cho các loại bánh, trước đó chị em phải lên rừng tìm cây cơm đen, cơm đỏ. Hai loại cây này thoạt nhìn rất giống nhau nên rất khó phân biệt. Nhưng theo kinh nghiệm của chị, thì cây cơm đỏ lá mỏng, màu xanh nhạt, mặt dưới có lông. Cây cơm đen (tím) lá dầy hơn, xanh đậm, ít lông hoặc không có lông. Dựa vào đó, chị em chọn đúng cây để tạo màu sắc theo ý muốn.
Ngoài lá cây cơm đen, cơm đỏ, phụ nữ xứ Tuyên còn tạo màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá dứa. Chị Chúc Thị Xuân, dân tộc Dao Đỏ, xã Xuân Lập bày tỏ, bà con mình chỉ tạo màu bằng các loại lá cây rừng thôi. Bởi ngoài việc làm đẹp, tạo ra hương thơm khác lạ cho chiếc bánh, nó còn có công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa một số bệnh về gan, thận, dạ dày...
Đến với xứ Tuyên, du khách sẽ được thưởng thức các loại bánh ngon độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết