Trứng kiến - thức ngon của núi rừng

- Đến Tuyên Quang vào dịp này, du khách chưa nếm thử các món ngon từ trứng kiến quả là một thiếu sót. Bởi trứng kiến chỉ có duy nhất vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch. Nếu không thưởng thức, du khách sẽ phải đợi cả năm sau.

Đồng bào Tày làm bánh trứng kiến.

Mùa này, cây cối đơm hoa, kết trái cũng là lúc những tổ kiến trên cây bắt đầu chắc trứng; đó cũng là lúc đồng bào vùng cao vào rừng tìm trứng kiến đem về làm bánh.

Ông Nông Văn Ân, thôn Nà Khuyến, xã Yên Hoa (Na Hang) có kinh nghiệm lấy trứng kiến nhiều năm nay cho biết, tìm trứng kiến khá vất vả. Có khi đi cả buổi mới tìm thấy vài ba tổ kiến. Thấy tổ rồi nhưng để lấy được trứng còn vất vả hơn nhiều. Nếu kiến làm tổ trên cây thấp thì chỉ việc chọc tổ kiến xuống, còn cây cao phải trèo lên, chặt cành cây có tổ kiến. Tất cả thao tác phải thật nhanh để tránh kiến bò lên người đốt. Sau khi lấy tổ xuống, phải chặt tổ ra rồi vỗ mạnh để trứng kiến rơi ra. Lấy nong, nia hoặc chặt lá chuối rừng hứng từng hạt trứng kiến trắng đục mẩy to như hạt gạo nếp, rồi lấy lá cây rừng phủi kiến và bụi đi.  Anh giãi bày, có hôm tìm được tổ kiến to, tưởng thắng lớn nhưng thực ra không phải vậy. Lấy hết cả tổ cũng chỉ được có bát con (khoảng 2 lạng). Vì thế, mỗi buổi đi lấy trứng kiến, gom mãi mới được một vài cân. Nhưng khách hàng đặt nhiều nên ngày nào anh cũng tìm. Với giá bán khoảng 150 nghìn đồng/kg, anh cũng kiếm thêm thu nhập kha khá.

Bánh trứng kiến không chỉ là món ngon dùng trong bữa cơm gia đình mà còn trở thành hàng hóa. Tuần nào, chị Vi Thị Tuyên, thôn Tân Thành, xã Yên Hoa cũng làm bánh trứng kiến bán ở chợ phiên Yên Hoa và chợ đêm Na Hang. Chị bảo, vừa rồi, Na Hang khôi phục lại chợ đêm, khách ăn thử rồi mua rất nhiều, bánh làm ra không đủ bán. Chia sẻ về bí quyết để có chiếc bánh thơm ngon, chị bảo, công phu nhất là nhân trứng kiến. Phải chọn trứng kiến còn non, giống như con nhộng, vừa độ thơm ngon. Một chiếc bánh ngon phải có nhân trứng kiến nguyên chất, chỉ cần phi hành mỡ và muối, không trộn thêm nguyên liệu khác. Bột bánh làm từ gạo nếp cái hoa vàng là chuẩn nhất. Đem gạo xay nhuyễn, nhồi nhân trứng kiến rồi nặn bánh, bọc vào 2 lớp lá ngõa đem hấp chín.

Khi ăn bánh trứng kiến, nên ăn cả lớp lá ngõa non bên trong kèm với bánh. Vị dẻo thơm của lúa nếp hòa với vị thanh mát, chát nhẹ của lá ngõa, đặc biệt là vị béo ngậy đậm đà của trứng kiến mang lại cảm giác rất riêng.

Hiện nay bánh trứng kiến đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Tuyên. Chiếc bánh gọn nhẹ, thơm ngon, bổ dưỡng sẽ giúp bạn nạp thêm năng lượng để có chuyến du hý vùng cao tuyệt vời hơn.

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục