Xôi tím
Đây là món ăn đơn giản nhất được làm từ gạo nếp. Gạo nấu xôi thường dùng là gạo nếp hạt to, mẩy đều đem ngâm và vo, đãi thật sạch, sau đó nhuộm tím. Đồng bào vùng cao tạo màu cho gạo nếp bằng lá cẩm tím (một loại lá cây rừng). Lá cẩm tím rửa sạch, cho nước vào đun sôi với muối khoáng 5 - 7 phút cho màu tím trong lá cẩm ra hết rồi lọc bỏ bã. Lấy nước này ngâm gạo nếp trong vòng 6 - 8h sau đó vớt ra cho vào chõ đồ xôi.
Nếu không có chõ, bạn có thể nấu xôi lá cẩm bằng nồi cơm điện cũng được nhưng hạt xôi sẽ không được tơi như nấu bằng chõ. Xôi tím có màu đậm hay nhạt là tùy vào nước lá cẩm đặc hay loãng tùy vào kinh nghiệm của mỗi người. Xôi vừa chín tới, từng hạt từng hạt xôi mềm dẻo ánh lên màu tím tươi rói, bóng mẩy, mới nhìn đã thấy ngon mắt là đạt.
Bà con các dân tộc thường ăn xôi tím muối vừng, khi ăn cần nhẩn nha nhai, càng nhai càng thấy ngọt. Đây cũng là món ăn tiện lợi, có thể mang theo những buổi lên nương lên rẫy, đôi khi có khách đến thăm nhà hoặc lễ hội thì thường có thêm món thịt lợn ram đậm ăn kèm cùng xôi.
Bánh dày tím
Từ xôi tím này, bà con vùng cao còn chế biến thành món bánh dày tím vô cùng hấp dẫn. Giã bánh dày là công việc không hề dễ dàng, bởi vì xôi nếp giã một lúc sẽ dẻo và rất dính. Phải hai người giã và căn nhịp giã để phối hợp với nhau cho đều tay. Phải giã ngay từ lúc nóng, bánh mới dẻo, thơm. Xôi nếp sau khi giã nhuyễn, mịn thì vo tròn, ấn dẹp và gói vào miếng lá chuối đã được lau rửa sạch trước đó. Ai cũng nói, miếng bánh vừa được giã xong luôn là miếng bánh ngon nhất.
Với người Tày ở Lâm Bình còn có loại bánh dày nhân vừng đen. Vừng đen trộn mật mía đem làm nhân bánh khi bánh mới giã xong. Bánh được gói bằng lá chuối sau khi đã rửa sạch, lau khô, để bánh giữ được độ mềm, mặt bánh không bị se lại.
Mùa này, khi gặt lúa mới, mỗi gia đình người Tày sẽ làm món bánh truyền thống này để dâng lên tổ tiên, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng được tốt tươi, việc lao động sản xuất được thuận lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết