Tuy nhiên, việc làm từ thiện tưởng chừng là một hoạt động đơn giản, mọi tổ chức cá nhân đều có thể làm được. Nhưng sẽ là lãng phí, không phù hợp nếu chúng ta hoạt động tự phát và không có sự phối hợp với chính quyền.
Hầu hết các hoạt động từ thiện hiện nay là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, người dân mới bắt đầu tự thành lập các nhóm từ thiện nhỏ lẻ, sau đó chuẩn bị nhu yếu phẩm, điều này vô tình xảy ra hiện tượng hỗ trợ chưa đúng nơi, đúng người; nơi thì quá nhiều, nơi thì không có. Không hiếm gặp những trường hợp người dân gói bánh chưng, nấu cơm nhưng do phải vận chuyển xa, thời gian dài ngày khiến các vật phẩm bị hỏng, không thể sử dụng khi đến được tay người nhận...
Bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào thực tế là phần lớn hình thức từ thiện ở Việt Nam vẫn còn bị giới hạn, thường chỉ mang ý nghĩa tức thời và ngắn hạn, ít có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn, hoạch định sinh kế lâu dài cho các nhóm yếu thế. Đại đa số nhà hảo tâm mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao tính minh bạch, hướng tới giá trị “từ thiện thật”, song chưa giải được các bài toán như “từ thiện thông minh”, “từ thiện sáng tạo”.
Sự lộn xộn và những ý kiến không hay về các hoạt động thiện nguyện những ngày qua cho thấy còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này, để không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của Nhân dân hay nguy cơ bị lạm dụng, rơi vào tay những đối tượng không xứng đáng.
Từ trước đến nay, câu chuyện “của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều nhà hảo tâm. Những người đem cho không có nghĩa là cứ phải trực tiếp đến đưa tận tay người mình cần giúp đỡ mà cần có những tổ chức chuyên nghiệp. Tổ chức ấy họ biết người dân cần gì trong bão lũ, cần gì trong dịch bệnh.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nâng cao và thay đổi về nhận thức, hành động để tăng cường lợi ích, hiệu quả của hoạt động từ thiện.
Gửi phản hồi
In bài viết