Có thể thấy, thực phẩm bẩn bao gồm cả thực phẩm không đảm bảo về chất lượng và thực phẩm không rõ nguồn gốc. Hiện đang ngày càng có nhiều nhà sản xuất sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, hoặc thâm canh không đúng quy trình, dùng nước tưới nhiều kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh; nhà kinh doanh thực phẩm sử dụng hóa chất cấm trong chế biến, bảo quản; cơ sở chế biến không bảo đảm vệ sinh theo quy định…
Thực tế cũng cho thấy, công tác đảm bảo ATTP vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng chế biến, sản xuất, kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm hay số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, diễn biến phức tạp và có tử vong vì ăn phải các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, cần sự đồng bộ từ 3 phía giải pháp: Cơ chế - chính sách; kinh tế - xã hội; Khoa học - công nghệ cũng như hành động từ phía: Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều có những quy định rất nghiêm ngặt về ATTP, an ninh sinh học. Họ không chỉ nghiêm trong nước, mà tất cả các loại thực phẩm mang từ nước ngoài vào đều phải khai báo, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Chính vì vậy, không thể chỉ trông chờ người tiêu dùng phải thông thái như các khẩu hiệu vẫn hô hào, mà rất cần đề cao tính thượng tôn pháp luật. Bất cứ vi phạm nào cũng đều phải xử phạt nghiêm khắc.
Không thể chỉ trông chờ vào đạo đức của các nhà sản xuất hay kinh doanh thực phẩm mà rất cần khắc phục tình trạng chồng chéo; đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP.
Cùng với đó, cần sự giám sát đồng bộ, thường xuyên không chỉ của cơ quan chức năng, mà của toàn thể Nhân dân về lĩnh vực này.
Gửi phản hồi
In bài viết