Các nhà tuyển dụng đã có những lời khuyên để học sinh hay người tìm việc không bị lạc lối khi bắt đầu sự nghiệp. Theo đó, những lời khuyên đầu tiên là không nên chạy theo phong trào hay chỉ biết nghe lời bố mẹ, cũng đừng chọn một cách qua loa hay chỉ tập trung vào thu nhập sẽ có, cũng không nên tự tạo áp lực cho bản thân.
Đã có không ít học sinh lạc lối vì chọn nghề theo sở thích mà không căn cứ vào sở trường, không hiểu rõ giá trị nào mình sẽ theo đuổi, nghề nào sẽ phù hợp với mình. Không ít học sinh chọn nghề phù hợp nhu cầu xã hội nhưng không phù hợp về khả năng cũng như điều kiện của bản thân và gia đình. Nên có chuyện đủ tiền theo trường có học phí cao, nhưng năng lực không phù hợp nên bỏ dở. Nên có chuyện quá thích một ngành học, nhưng điểm chuẩn đầu vào cao nên thi vài lần không đậu…
Có câu chuyện về một chị giúp việc trước khi xin nghỉ phép 5 ngày đã đặt sẵn 5 túi đựng rác trong sọt rác, khiến chủ nhà vô cùng hài lòng và cảm phục tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của chị. Câu chuyện cho thấy không có nghề nào quan trọng hơn nghề nào, nếu người lao động không tận tâm tận lực và chuyên nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp chính là việc đưa ra các quyết định lựa chọn cho công việc và nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Nên rất cần vai trò của nhà trường, gia đình và lời khuyên từ những người đi trước. Với mỗi lời khuyên, cũng cần căn cứ những yếu tố có thể ảnh hưởng như tính cách, sở thích cá nhân, năng lực, điều kiện gia đình và các tác động khác từ môi trường như cơ hội việc làm, xu hướng thị trường, mức lương…
Và yếu tố không kém phần quan trọng là việc chuẩn bị và xây dựng được lộ trình để đi trên con đường đã lựa chọn. Chuẩn bị càng tốt, lộ trình càng cụ thể, sẽ càng dễ đạt mục tiêu và thành công trong sự nghiệp đã chọn.
Tránh được tình trạng “lạc lối” giữa muôn nghề sẽ là tiền đề để phát huy hết năng lượng và sở trường, để được làm việc với niềm đam mê và hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết