Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bữa ăn giữa ca để làm cơ sở cho Công đoàn kiểm tra, giám sát cũng như thương lượng với chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường vai trò của Công đoàn trong cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cụ thể là việc Công đoàn phải được tham gia giám sát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thực phẩm cũng như quy trình vận hành của bếp ăn.
Nhằm nỗ lực nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động cho người lao động, từ năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động. Theo đó, Nghị quyết lưu ý công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của công nhân với mức tối thiểu 15 nghìn đồng, khuyến khích nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn. Từ đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi cho bữa ăn công nhân đã được tăng lên, có doanh nghiệp đã nâng lên đến 30 nghìn đồng, thậm chí còn cao hơn nữa.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho người lao động, nên chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù công đoàn cũng đã tham gia thương lượng, giám sát. Bởi thế nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội quan tâm, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật, có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bữa ăn an toàn không chỉ là bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng để người lao động đủ sức khỏe làm việc, mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bữa ăn ca được quy định cụ thể trong luật sẽ là căn cứ góp phần bảo đảm quyền lợi cho công nhân, lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết