Nhiều vùng quê đã “thay da, đổi thịt” nhờ những người đi xuất khẩu lao động đem tiền về không chỉ giúp đỡ, cải thiện kinh tế gia đình mà còn đóng góp xây dựng quê hương. Những “phố đi Nhật”, “làng xuất khẩu lao động” xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn tỉnh.
Công tác tư vấn, định hướng cho người đi lao động xuất khẩu được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cùng với hiệu quả thiết thực từ xuất khẩu lao động mang lại thì vẫn còn có người lao động xuất khẩu không đạt kết quả như mong muốn do chính ý thức kỷ luật làm việc của mình như đi làm không đúng giờ, không sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động được trang bị, thiếu tinh thần đoàn kết với đồng nghiệp...
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó nhấn mạnh nội dung khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình định hướng nghề nghiệp trước khi đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động và ưu tiên, nâng cao tỷ lệ lao động đã có tay nghề, lao động lành nghề đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Thực tế có nhiều lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động đã được chủ doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục ký hợp đồng mới với mức thu nhập cao hơn do chất lượng công việc và ý thức kỷ luật tốt. Vì vậy, cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, tay nghề, trước khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người lao động nâng cao hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động của nước sở tại. Người lao động phải có hiểu biết về văn hóa, môi trường làm việc, tác phong công nghiệp, có tinh thần trách nhiệm với công việc đảm nhiệm.
Gửi phản hồi
In bài viết