Trong bối cảnh mới như hiện nay, doanh nghiệp xanh bền vững phải tích hợp với thành công về mặt tài chính, kinh tế gắn với những thành công về mặt xã hội như tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định an ninh việc làm, bảo vệ môi trường. Đó chính là những giá trị mới mà doanh nghiệp xanh tạo ra trong thế kỷ 21.
Hiện nay, phát triển bền vững không còn là khái niệm mơ hồ, xa vời, mà rất rõ ràng thông qua bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững của VCCI. Tuy vậy, ở tỉnh ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh những hạn chế về nhân lực, tiếp cận nguồn vốn khiến việc theo đuổi hướng tới sự phát triển bền vững chỉ là yếu tố để các doanh nghiệp cân nhắc chứ chưa phải là ưu tiên lựa chọn. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy coi phát triển bền vững là một gánh nặng với họ, không coi đó là đầu tư lâu dài cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc, phát động phong trào thi đua triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Chính phủ luôn luôn đồng hành bên cạnh doanh nghiệp, bất kể là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp…
Quán triệt quan điểm này, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đã có, vì vậy, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức và tư duy, định nghĩa lại thế nào là thành công của doanh nghiệp. Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết