Tự bảo vệ mình

- Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Những mặt hàng này không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống mà giờ đây đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, trên các trang mạng xã hội.

Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả dịp Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng tập trung triển khai kế hoạch về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm; triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra và xử lý khoảng 30 nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như hàng hóa sai phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh; cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà còn gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ trông cậy vào cơ quan nhà nước thì rất khó và không bao giờ chúng ta giải quyết được vấn nạn này. Để chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ, cần phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa.

Trước hết, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả, cẩn trọng hơn khi mua hàng, chú ý về xuất xứ hàng hóa, hóa đơn chứng từ.. cũng là để tự bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát thị trường, kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động hàng giả, hàng nhái... Có làm được như vậy thì xã hội mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục