Công việc kinh doanh bận rộn ở xứ người đã chiếm nhiều thời gian của anh. Bao nhiêu năm nay, hình ảnh quê hương thơ ấu vẫn như một chấm nhỏ phía năm tháng mờ xa.
Cộng đồng người Việt ở Séc thường tổ chức những cuộc gặp gỡ để không ngừng gắn kết tình nghĩa đồng bào. Ở đó, nhiều lần anh được gặp những người thân của các Việt kiều từ Tổ quốc sang. Anh vừa hào hứng, đón tin tức về sự đổi thay của quê hương, đất nước. Nhưng rồi, anh lặng lẽ quay về với góc khuất của tâm hồn mình. Anh thấy tủi thân.
Minh họa: Bích Ngọc
Lân không nhiều người thân thích. Bên xứ tuyết này đã ít. Ở quê nhà lại không còn ai. Cũng phải hơn ba mươi năm rồi, cái sợi dây gắn kết anh với nước Việt ngày càng mong manh. Nhưng mong manh, nghĩa là vẫn tồn tại. Lẽ đời, khi càng trưởng thành thì người ta lại càng nhớ thương về tuổi nhỏ. Chính vì vậy, anh thấy mình cần có cuộc trở về này…
***
Đó là một buổi trưa một ngày cuối thu của năm 1983, trong ngôi trường PTCS cấp 2 ở một làng quê nghèo. Lúc đó là quá tiết năm, học sinh đã về hết. Sân trường vắng lặng. Nghe được rõ âm thanh mấy chiếc lá khô xào xạc lăn về cuối dãy phòng lụp xụp, mái ngói rêu phong, càng khiến cho khung cảnh thêm yên ắng. Phòng học lớp 8C vẫn còn mở cửa.
Cô giáo Loan ngồi trên chiếc ghế tựa gỗ, mắt nhìn cậu học trò như thúc giục:
- Nào, nói cho cô nghe nào! Em bỏ tiết Toán ngày thứ ba, cãi nhau trong giờ học với bạn Ngọc vì lấy bút mà không hỏi bạn ấy vào hôm thứ tư, lại còn đánh bạn Tuấn chảy máu miệng vào sáng nay. Em biết mình xử sự như vậy là chưa đúng phải không?
Im lặng. Mặt cậu bé câng câng, mắt chằm chằm nhìn ra cửa sổ như không hề nghe thấy câu hỏi của cô giáo.
- Sổ đầu bài còn ghi cả đây. Càng ngày em càng vi phạm nội quy nhiều hơn, học hành thì chểnh mảng! Hãy cho cô biết lý do nào!
Vẫn là sự im lặng đến khó chịu. Những tình huống thế này, dễ khiến người ta nổi cáu. Nhưng cô Loan biết, lúc này mà quát mắng, xách tai… có thể sẽ là giọt nước tràn ly.
- Chắc còn điều gì sâu kín mà em chưa tiện nói với cô hôm nay. Bây giờ đã trưa rồi. Em về ăn cơm kẻo muộn. Rồi chiều nay, em viết bản tường trình lại các sự việc, sáng mai gửi cô nhé!
“Tường trình á! Còn lâu nhé! Mình không viết đấy! Để xem bà ấy làm gì được nào!”. Vừa phóng nhanh ra cổng, cậu học sinh cá biệt vừa nghĩ thế!
Cậu học sinh ấy chính là Lân - một học sinh chuyên gây rắc rối trong lớp học. Lân vốn là con một gia đình khá giả do bố mẹ làm nghề buôn chuyến lên Tây Bắc. Cứ nửa tháng lại một lượt ô tô đi về. Hàng buôn lên gồm gạo, tôm, cá khô. Hàng về chủ yếu là lâm sản như gỗ quý, mật ong rừng… Mới chỉ hơn năm mà gia đình phất lên trông thấy. Nhà có tiền, bố mẹ thì mải làm ăn nên Lân bị rủ rê, dần trở thành đứa trẻ lêu lổng, lười học, quen thích hưởng thụ. Rồi một lần chuyển hàng lên Sơn La, xe ô tô của bố mẹ Lân gặp cơn lũ ống, bị lật úp. Lũ qua, người ta chỉ tìm thấy xác người vợ vướng vào cành cây. Anh em Lân mồ côi từ đó…
Đùng một cái, Lân bị thầy Hiệu trưởng lôi lên phòng Hội đồng nhà trường. “Đấy, cô xem! Học sinh của cô phá trường ra đấy!”. Cô Loan không bất ngờ lắm, bởi cô đã nghe đồng nghiệp nhiều lần phản ánh những điều không hay về Lân. Nhưng trò nghịch ngợm lần này thì chưa có tiền lệ từ ngày cô vào nghề dạy học.
Minh họa: Bích Ngọc
Số là nhà trường mới được xã đầu tư xây thêm được ba phòng học mái bằng khang trang và ưu ái cho khối lớp 8. Cả thầy và trò đều phấn khởi và giữ gìn lắm, bởi từ ngày thành lập đến giờ, trường chỉ có bốn dãy phòng học lợp ngói cũ kỹ và thấp tối. Lân được cô Loan xếp ngồi cuối lớp vì cao hơn các bạn. Chẳng biết từ khi nào, Lân đã dùng một đoạn que tre khoét theo mạch vữa trên bức tường ở ngay sau lưng. Vữa xây bằng vôi với cát nên tơi như bột. Lân dùng tờ giấy trắng, dính nhựa sung dán lên. Các thầy cô dạy lớp 8 thì đều đã có tuổi, phải đeo kính lão, nên không phát hiện ra. Khi mọi người biết thì lỗ thủng trên tường đã to bằng chu vi quyển vở, thông sang lớp bên cạnh. Bức tường đang phẳng phiu, trắng xóa màu vôi mới, giờ nham nhở, trông bẩn như vết mực nhòe trên tờ giấy trắng… Giờ ra chơi, Lân lấy lá dong gói cát khô, mang vào ném sang lớp bên kia khiến cát bay mù mịt.
- Đây là hành động phá hoại của công. Cần phải cảnh cáo trước toàn trường để còn giáo dục các học sinh khác! - Thầy Hiệu trưởng gay gắt.
- Ông tướng này hết cách thôi, còn giáo dục gì nữa! Cứ kệ nó ra ngoài đời, rồi xã hội sẽ dạy nó!
Câu nói của ai đó khiến lòng cô Loan chùng lại, vừa buồn vừa thấy đáng tiếc. “Giáo dục một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ cho tiến bộ, thì đó là chuyện bình thường. Nhưng giáo dục một học sinh hư mà tiến bộ được thì mới cần đến giáo viên chứ! Nghề dạy học là công việc dạy người. Có những lúc phải áp dụng nội quy, nhưng nhiều khi cần hơn cả là tình cảm và trách nhiệm của người thầy!...”. Cô Loan ngồi lặng bên bàn mà nghĩ miên man như thế!
Được trở về lớp nhưng Lân không ở lại học tiếp. Vơ cái cặp sách trên bàn rồi cậu ta lao ra cổng. Vừa đi vừa liệng sách, vở rải xuống mé sông. “Này thì kỷ luật đi này!... Này thì...”. Lân nghĩ, đời học sinh của mình sẽ chấm hết từ hôm nay!
Đầu giờ chiều, khi Lân đang nằm khểnh trên giường thì chợt nghe tiếng gọi với vào: “Lân ơi! Có nhà không đấy em?”. Cậu bé vừa ngồi dậy thì đã thấy cô Loan dựng xe trước cửa. Phía sau xe đạp, chằng một gói giấy báo cũ. Lân ngỡ ngàng và thoáng chút bối rối vì sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo trong căn nhà luộm thuộm, bề bộn quần áo nặng mùi lâu chưa giặt.
Cô Loan bước vào, đến ngồi bên cạnh Lân. Đặt bàn tay xuống vai cậu học trò, cô nói:
- Sao sáng nay em hành động nông nổi vậy?! Sao lại vứt hết sách vở đi! Em có nghĩ rằng, ở một nơi nào đó, bố mẹ đang dõi trông em không? Hành động như vậy, bố mẹ em sẽ buồn lắm đấy!
Ngừng một lát, cô Loan nói tiếp:
- Hãy nghe lời cô, trở lại lớp học đi! Em hãy nghĩ rằng, cô và các bạn lớp ta luôn mong đợi sự trở lại của em, bởi bao giờ cũng thế, em vẫn luôn là một thành viên của lớp. Em gái của em sẽ luôn tin tưởng và tự hào về anh trai mình. Những việc của em trước nay sẽ thoáng qua ngay thôi, giống như lỗ thủng trên bức tường ấy sẽ sớm được xây trát lại, sẽ được quét vôi, đẹp như mới! Em nhé! Hãy nghe lời cô mà trở lại lớp học!
Lân cúi mặt, ngồi lặng nghe. Nước mắt bắt đầu lăn qua khóe môi. Miệng Lân mấp máy, như muốn nói điều gì đó. Cô Loan vỗ nhẹ vào lưng Lân, rồi ôm lấy đôi vai của cậu học trò đang khẽ rung lên. Đợi cho Lân qua cơn xúc động, cô bước ra cầm gói bọc giấy báo vào, đặt lên tay Lân.
- Sáng nay, cô đã lội xuống vớt sách vở cho em và phơi khô rồi nhé! Mực có chỗ bị nhòe, nhưng không sao cả! Điều cô mong chờ là những dòng chữ em sẽ viết từ ngày mai… Còn bây giờ, cô trò mình sẽ ra trường xây vít lại lỗ thủng đó. Đơn giản thôi mà, chỉ một lát là xong!
Vét hố còn sót lại sau đợt xây phòng học bữa trước, được hai xô vôi. Cô thoăn thoắt nhào một xô vôi với cát thành đống vữa xây. Lân chợt ngỡ ngàng khi lần đầu tiên, cậu để ý đến đôi bàn tay hơi kỳ lạ của cô. Đôi bàn tay to và sạm đen, thô ráp, nhiều vết chai như bàn tay đàn ông. Những kẽ móng tay còn ố vàng màu phèn bùn chua. Đôi bàn tay ấy vẫn thường đào mương, cuốc vườn hay móc bùn ao để trồng khoai nước. Chồng cô Loan là bộ đội lái xe, hầu như vắng nhà quanh năm. Một mình cô vừa dạy học, vừa phải làm ruộng, trồng vườn, nuôi gà nuôi lợn, bởi hơn chục cân gạo phiếu mỗi tháng của cô và lương bộ đội của chồng, không đủ nuôi ba cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn… Lân vừa đi tìm mấy hòn gạch cũ cho cô xây, vừa tủm tỉm cười khi trong đầu cậu học trò chợt lóe ra ý nghĩ, may mà từ trước đến nay chưa có đứa nào bị bàn tay ấy tát tai hay cốc đầu!...
Sau một hồi hì hục gõ gõ, trát trát, xoa xoa, lỗ thủng trên tường đã được vít kín, bằng phẳng cả hai bên.
- Giờ thì đợi một lúc cho khô mặt tường lại, rồi cô trò mình sẽ quét vôi luôn. Sáng mai tường khô hẳn, sẽ lại trắng đẹp như mới cho mà xem! Giờ em giúp cô dọn chỗ vữa rơi dưới chân tường. Rồi ra rửa chân tay. Đợi cô về nhà một chút. Cô sẽ quay lại ngay!
Chừng mười phút sau, cô Loan trở lại. Tay khua chiếc kéo cũ nhưng lưỡi còn sáng, cô cười rất tươi: “Lân lại đây cô cắt tóc cho nào! Tóc em trùm quá tai rồi đấy! Cô toàn cắt tóc cho ba anh em thằng Đức nhà cô thôi! Đẹp lắm nhé!”. Tay phải cô khua kéo nghe rất thành thạo. Tay trái cô đỡ tóc qua ngón trỏ và ngón giữa, thỉnh thoảng lại chỉnh tư thế nghiêng đầu của cậu học trò. Chẳng mấy chốc, mái tóc vàng râu ngô, bết dính của Lân đã được cắt lại gọn gàng. “Trông bảnh trai hơn rồi đấy! Giờ, em về xem lại sách vở. Sáng mai, cô và các bạn sẽ đợi em ở đây đấy nhé!”.
Do cô Loan cam kết đảm bảo sự tiến bộ của cậu học trò nên Hội đồng kỷ luật nhà trường chưa tiến hành việc cảnh cáo Lân. Hồ sơ kỷ luật được lưu lại, để theo dõi tiếp. Cũng từ hôm ấy, Lân trở thành một cậu học trò khác hẳn, trầm tư hơn, chăm chỉ hơn và có ý thức trách nhiệm với bản thân, với lớp học của mình hơn.
Học kỳ 1 năm học ấy kết thúc cũng là Tết đến. Người bác họ của Lân công tác ở Bộ Ngoại giao, về làm thủ tục nhận anh em Lân làm con nuôi, rồi đón lên Hà Nội học. Rồi đến năm 1988, anh em Lân được người anh họ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Praha, bảo lãnh sang Tiệp Khắc dưới dạng lao động xuất khẩu. Anh và những người thân đã “mắc kẹt” lại, sau những biến động chính trị, xã hội năm 1989 ở đất nước này…
***
- Xa quê từ nhỏ mà lại lâu thế, hình ảnh quê hương đọng trong anh là gì? - Người lái xe taxi chợt quay sang hỏi.
- Nhớ hôm chia tay, cô giáo tôi bảo, cô và các bạn sẽ luôn cầu chúc cho tôi mạnh giỏi và bảo mình, hãy nhớ về lớp học nhỏ bé này. Cô còn đưa bàn tay đầy vết chai và sẹo lau nước mắt cho tôi…
- Vậy chiếc xe tải đang chạy phía sau, là…
- À, tôi về tặng trường cũ 60 bộ máy vi tính và mấy chiếc tivi. Số là, qua mạng Facebook, tôi kết nối được với cậu con trai út của cô giáo, đang là giáo viên ở trường quê. Thật mừng là cô vẫn khỏe, dù đã gần tám mươi tuổi rồi!...
Lân đưa mắt nhìn qua cửa kính. Loang loáng bóng những hàng cây lùi lại phía sau. Con đường cao tốc mới mở này mà sao thấy thân quen quá! À, đúng rồi! Bởi đây là con đường về với quê hương, con đường về với những kỷ niệm thời ấu thơ chan chứa ân tình, vẫn luôn đong đầy trong trái tim anh!...
Gửi phản hồi
In bài viết