Ngày nào ông nhặt rác cũng qua quán nhà Phúc mua một phần cơm và chút thức ăn vụn chan thêm ít nước thịt. Nhận những tờ tiền lẻ cũ nhàu từ người đàn ông, lòng Phúc dâng đầy thương cảm. Thúy thấy chồng xởi lởi với vị khách “xoàng” này thì tỏ vẻ không hài lòng. Nhiều hôm, nhân lúc vợ không để ý, Phúc lén nhét thêm chút thịt, cá vào hộp cơm cho ông.
Một đêm cuối thu, trời mưa tầm tã, cơn mưa kéo dài suốt cả sáng hôm sau kèm theo rét mướt tràn về. Đến quá trưa, mưa đã tạnh, lúc này quán sắp hết khách, Phúc tranh thủ đi đổi bình nước lọc. Khi quay trở lại, anh thấy ông nhặt rác ngồi co ro gần cửa, tay cầm tờ 5 nghìn cũ.
Hôm nay ông ấy lạ lắm. Tờ 5 nghìn được ông giơ lên ngắm nghía rất lâu, Phúc thấy trong đôi mắt ngân ngấn lệ ấy là một thứ tình cảm rất đặc biệt. Nó xa xót, khổ đau và đầy bất lực. Lấy tay xoa xoa cái bụng đói lép kẹp. Ông hôn nhẹ nhàng lên tờ tiền như chào tạm biệt, đôi chân run rẩy mạnh dạn bước trở lại vào quán. Phúc chào ông rồi đặt bình nước lọc xuống cái giá đỡ để góc nhà. Người đàn ông nhìn quanh quán một lượt, chỉ còn hai vị khách đang cắm cúi ăn cơm, ông nhìn sang Thúy đang lúi húi nhặt tiền trong cái xô nhựa. Thấy không ai để ý mình, ông ngại ngùng nói nhỏ với Phúc: “Cậu làm ơn bán cho tôi năm nghìn cơm trắng”.
Giữa cái lạnh đầu mùa tái tê của trời đông xứ núi, chiếc áo khoác cũ rách mỏng manh khiến ông run lên vì lạnh. Phúc vui vẻ xúc nốt phần cơm đáy nồi cho ông và không quên chan nước thịt kho kèm vài miếng thịt vụn. Ông nhận hộp cơm với ánh mắt đầy biết ơn. Dúi vội tờ năm nghìn cũ vào tay Phúc, ông nhanh chóng rời đi như sợ bị ai phát hiện.
Cầm tờ tiền giấy mệnh giá năm nghìn lên ngắm nghía kỹ càng, Phúc tỉ mỉ soi xét xem nó có gì đặc biệt khiến ông nhặt rác xót xa. Phúc đoán tờ tiền này rất quan trọng với ông ấy. Hôm nay mưa rét không kiếm được gì nên ông phải cắn răng tiêu nó đi. Ở góc quầy hàng, Thúy vừa đếm xấp tiền lẻ đủ loại vừa ném về phía Phúc những lời cằn nhằn: “Tiền ông ấy trả lúc nào chẳng cũ bẩn thế? Anh làm gì phải xem kỹ vậy?”.
Minh họa: Bích Ngọc
Phúc nhìn vợ rồi lắc đầu cười. Anh cất tờ tiền vào cái hộp để riêng trong ngăn kéo. Phúc thấy tò mò về tờ tiền và người đàn ông này. Cái lạnh mùa đông miền núi khiến người ta như bị cắt da, cắt thịt. Ngôi nhà hoang hai cha con người nhặt rác ở không có gì che chắn càng mong manh trước gió. Nghỉ trưa, Phúc về nhà lục trong đống đồ cũ lấy mấy chiếc áo khoác không dùng đến đem ra quán và không quên mở ngăn kéo lấy tờ 5 nghìn nhét vào túi, xong xuôi, anh đi thẳng đến ngôi nhà hoang cuối chợ.
Người đàn ông đang ngồi co ro đắp tấm chăn cũ rách nhặt được ở bãi rác. Thằng bé con gối lên đùi ông ngủ một cách ngon lành. Hộp cơm vẫn còn một nửa đặt cạnh đó. Họ dành lại để ăn bữa tối. Căn nhà trống huơ trống hoác được quây mấy tấm bao tải quanh chỗ nằm.
Thấy Phúc đến, ông nhặt rác bất ngờ, ngơ ngác định cất lời thì Phúc ra hiệu im lặng cho thằng bé ngủ. Ông từ từ đặt thằng bé xuống cái chiếu cũ và đắp lại tấm chăn rách cho nó rồi tiến về phía Phúc. Hai người bước ra ngồi sát hiên nhà, cái lạnh tê buốt tuốt qua da thịt. Người đàn ông chậm rãi cất lời: “Sao cậu đến tìm tôi?” Phúc chìa túi quần áo cũ dúi vào tay ông: “Cha con ông sẽ cần đến nó”. “Cảm ơn cậu” - người đàn ông bối rối. Phúc nhanh nhảu gỡ chiếc túi trên tay ông lấy ra cái áo dầy nhất khoác lên tấm thân ốm o, gầy gò. Sau đó Phúc rút tờ 5 nghìn lúc trưa ra. Ông nhặt rác chăm chăm nhìn tờ tiền như nhìn thấy người xa lâu ngày gặp lại. Phúc cất lời: “Gửi trả ông, tôi không muốn giữ nó!”.
Người đàn ông ngượng ngùng, nửa muốn cầm nửa không muốn. Ông xua tay, nói: “Cậu đừng làm thế. Tiền này tôi đã mua cơm với cậu. Tôi biết nó không đủ với số cơm cậu bán cho nên rất áy náy. Cậu làm ơn cất nó đi”. Phúc nhìn bộ dạng bối rối kia liền mỉm cười: “5 nghìn này đối với tôi có cũng như không. Nhưng với ông, nó vô giá, ông cứ nhận lại đi”. Người đàn ông thấy sự chân thành của Phúc nên ngậm ngùi nhận lại.
Được đà, Phúc hỏi luôn điều mình thắc mắc lâu nay: “Ông có thể chia sẻ với tôi về ý nghĩa tờ tiền này và cớ gì ông phải về đây hành nghề nhặt rác, sống cuộc đời bần cùng như vậy?”. Nghe Phúc hỏi, ông thở dài, cố nén cảm xúc: “Chuyện kể ra thì dài lắm! Từ nhỏ tôi đã là trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng, học hành trong trại, lớn lên, với tay nghề cơ khí đã học, tôi kiếm được một công việc thu nhập rất tốt. Tôi hăng say làm việc chăm chỉ để cuộc sống khá hơn. Rồi tôi quen và yêu một cô gái ở công ty đối tác. Chúng tôi vừa đăng ký kết hôn với nhau thì cô ấy tham gia một dự án vốn nước ngoài. Tay giám đốc công ty đó thích vợ tôi nhưng bị cự tuyệt. Rồi một lần đi công tác, cô ấy bị lừa bắt đi. Tôi đoán do tay đó làm nhưng không đủ bằng chứng tố cáo.
Để tìm vợ của mình, tôi đã nghỉ việc công ty, dùng hết số tiền tiết kiệm và bán sạch tài sản sắm được để đi khắp Trung Hoa đại lục tìm cô ấy. Nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín. Cứ nghe thêm được chút manh mối của vợ, tôi lại đi tìm. Những đồng tiền cạn dần, tôi đành cắn răng bán một bên thận để lấy chi phí đi tìm vợ. Cuối cùng cũng chẳng thấy bóng chim tăm cá ở đâu. Trở về nước với hai bàn tay trắng, sức khỏe sụt giảm, lòng đầy vết thương. Tôi không về thủ đô nữa mà bám trụ ở khu chợ biên giới này nuôi hy vọng tìm vợ. Tờ tiền này là vật kỷ niệm vợ chưa cưới tặng tôi. Cô ấy đã tìm kiếm rất lâu mới có được nó. Số series trên tờ tiền chính là ngày chúng tôi ấn định tổ chức đám cưới. Mấy nay mưa gió, không kiếm được gì, thằng nhỏ không chịu được đói rét, tôi đành cắn răng cầm đến phiền cậu mua từng đó cơm”.
Người đàn ông kể chuyện mà không cầm nổi nước mắt. Phúc nghe không sót một lời, anh lại hỏi: “Ông vừa đăng ký với cô ấy thì thằng bé này con ai?”.
Người nhặt rác buồn rầu bảo: “Thằng bé này không phải con tôi. Lần cuối qua biên giới tìm vợ trở về đây, tôi gặp nó khóc bên đường. Hỏi chuyện mới biết, mẹ nó cũng vượt biên và dặn nó chờ ở đấy. Nó đã chờ cả ngày và sắp lả đi vì mệt, đói và nước mắt. Tôi cùng nó ở đó chờ thêm hai ngày nữa nhưng không thấy mẹ cháu trở về. Tôi cho nó đi theo và hứa sẽ cùng tìm một nơi dung thân để chờ mẹ nó. Hứa cho trẻ con an lòng thôi, tôi thừa hiểu, mẹ nó chẳng về đâu. Tôi muốn nhận nó làm con nuôi, nhưng cậu xem, giờ tôi còn không nuôi nổi chính mình, đành ở đây kiếm ăn qua ngày cùng nó chờ…”.
Phúc nghe xong thấy lòng chua xót. Không nghĩ ngợi gì nhiều, anh đề nghị: “Từ mai ông đừng đi nhặt rác nữa. Hai người cứ đến quán tôi phụ việc. Tôi sẽ nuôi ăn ngày ba bữa. Nếu dư dả sẽ trả thêm tiền công”. Người đàn ông mừng rỡ lắm, nhưng chợt nhớ ra điều gì liền hỏi: “Còn cô nhà thì sao? Chắc chắn cô ấy không đồng ý đâu”. Phúc vỗ vai ông an ủi: “Tôi sẽ có cách, sáng mai ông cứ đến nhé!”.
Trời tờ mờ sáng, mưa phùn rơi nặng hạt, không gian mù mịt che khuất tầm nhìn, Thúy đạp xe đi mua rau ở đầu chợ. Vừa xuống con dốc thì xe đạp đứt phanh, phía dưới đang có xe tải ngược dốc, Thúy la lên thất thanh làm huyên náo cả khu chợ. Chợt người đàn ông nhặt rác từ đâu chạy ra giữ xe Thúy lại. Chiếc xe đổ xuống khiến Thúy ngã chổng kềnh ra rìa đường. Ông nhặt rác cũng bị hất văng ra giữa đường vừa khi xe tải lao tới. Vụ tai nạn làm nhốn nháo phiên chợ sớm. Tiếng la hét, khóc sợ, bàn tán huyên náo cả một vùng.
Cú va chạm trực diện khiến ông nhặt rác phải nhập viện cấp cứu. Thúy sau khi được ông lão đẩy ra vệ đường thì ngất đi, khi tỉnh lại, không thấy chồng bên cạnh, cô mới biết sự việc. Bao nhiêu đau nhức trong người Thúy biến mất. Cô vội vã vào viện thăm ân nhân. Thúy đến nơi thì thấy chồng và thằng bé đã trực ở đó. Người đàn ông sau khi được cấp cứu đã qua cơn nguy kịch, chờ hồi sức và điều trị. Thúy ngó vào trong phòng bệnh thấy ông vẫn nằm mê mệt, trên tay nắm chặt tờ 5 nghìn cũ mà cô từng chê bai.
Chiều hôm ấy tại quán cơm cuối chợ. Phúc kể lại cho Thúy nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn ông nhặt rác. Nghe chồng kể, nước mắt Thúy chảy thành dòng. Cả hai chuẩn bị cơm tối để mang vào viện cho ông và thằng bé. Thúy bàn với Phúc xin nhận thằng bé làm con nuôi, dẫu sao hai người lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Tất cả sẽ cùng chăm sóc ông nhặt rác và mời ông ở lại quán phụ việc. Cả nhà sẽ sống bên nhau và cùng chờ điều “kỳ diệu” sẽ đến.
Gửi phản hồi
In bài viết