Những vần thơ kết đoàn

 - “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tình đoàn kết làm nên nhiều giá trị tạo nên sức mạnh và sự thành công lớn lao. Xuyên suốt dòng chảy thi ca, chúng ta có thể điểm qua những tác phẩm truyền cảm hứng, thổi bùng nghĩa tình đoàn kết gắn bó, keo sơn.

Trải hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta đã luôn luôn phải chống trả và chiến thắng nhiều kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đoàn kết để chiến đấu, đoàn kết để xây dựng, bảo vệ đất nước đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thi ca để gửi gắm tâm tư, động viên khích lệ đồng bào, đồng chí đoàn kết chống lại kẻ thù xâm lược. Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết, trong Lịch sử nước ta, và các bài viết Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết, Nông dân đoàn kết, Chơi trăng… của Người.

Nội dung kêu gọi đoàn kết thường được Bác Hồ viết liền mạch với những câu chữ mộc mạc, giản dị, dễ nhớ dễ thuộc. Trong bài “Thơ đề tranh cổ động Báo Việt Nam Độc Lập”, đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” số 103, ngày 21-8-1941, Bác viết: “Việt Nam Độc Lập thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta”.

Từ những lời thơ kêu gọi tuyên truyền trực tiếp đến những ví von về sức mạnh của đoàn kết, Bác mong muốn mọi người dân thấm nhuần tư tưởng đoàn kết một cách sâu sắc. “Bài ca sợi chỉ” của Bác in trên Báo Việt Nam độc lập số ra ngày 1-4-1942 được gọi là một bài ca đoàn kết! Bài ca được viết với giọng điệu nhẹ nhàng, thư thái tựa như kể một câu chuyện về cuộc đời sợi chỉ. Bắt đầu từ việc nói lên  cội nguồn, gốc gác là đóa hoa đến cái bông, đến sợi chỉ và thành tấm vải mỹ miều. Ban đầu với vẻ mong manh, yếu ớt và chỉ khi sợi chỉ được dệt, đan thành tấm vải thì mới tạo nên được sự bền bỉ, sức mạnh “Nhờ tôi có lắm đồng bang/Hợp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều…/Đố ai bứt xé cho ra/Đó là lực lượng, đó là vẻ vang”.

Những bài ca về tình đoàn kết dân tộc luôn được cất vang (Một tiết mục văn nghệ tại Hội diễn Văn nghệ ngành giáo dục huyện Yên Sơn). Ảnh: Thế Sơn

Bài ca gửi đến thông điệp về sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng sẽ tạo nên sức mạnh vượt qua được mọi kẻ thù. Bác ra lời kêu gọi nhân dân ta cùng chung sức đoàn kết theo lý tưởng cách mạng, giương cao ngọn cờ chính nghĩa sẽ chiến thắng được tất cả: “Hỡi ai con cháu Hồng Bàng/Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau”.

Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Đến với bài thơ “Từ ấy”, Tố Hữu gửi thông điệp về lẽ sống và tình đoàn kết dân tộc: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với trăm nơi/Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Giác ngộ lý tưởng, giác ngộ nhận thức, lẽ sống đối với người cộng sản, trước hết là giác ngộ về chỗ đứng. Nhà thơ chủ động, tự giác hòa “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của những người lao khổ. Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu nguyện gắn bó mật thiết, sống chan hòa với mọi người, với “trăm nơi” với quần chúng đông đảo khắp 

mọi miền đất nước. Cụm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ như muốn trải rộng với cuộc đời rộng lớn tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời cần lao.

“Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Nhà thơ hướng tình yêu thương của mình tới “mọi người”, “trăm nơi”… Cụ thể hơn, đó là những con người thuộc giai cấp cần lao, những kiếp sống khốn khổ, bất hạnh đói nghèo. Câu thơ khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết qua hình ảnh ẩn dụ về “khối đời”. Đó là một cộng đồng chung cảnh ngộ số phận, khát khao và ý chí để cùng nhau hướng tới một lý tưởng cao đẹp… những cái chung ấy sẽ đem lại cho họ một sức mạnh vô địch. Bằng các hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, Tố Hữu đã bày tỏ quyết tâm sắt đá, ý thức tự nguyện gắn cái tôi của mình với cái ta chung của dân tộc để tạo ra sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Trở về với cuộc sống hòa bình, nhiều tác phẩm thi ca ra đời nói lên tình yêu thương đoàn kết dân tộc vượt qua những khó khăn thách thức trong thời đại hôm nay. Hướng đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhiều tác giả cho “ra lò” nhiều thi phẩm hay khơi gợi sức mạnh và niềm tự hào dân tộc. Điển hình như nhà thơ Nguyễn Lâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã viết trong bài Ngày Đại đoàn kết: “Cơm lam ăn với thịt rừng/Măng tre hầm móng ta mừng nâng ly/Kết đoàn dân tộc khắc ghi/Làm theo lời Bác dân thì an vui/ Đồng bào chia ngọt sẻ bùi/ Đói nghèo lạc hậu đẩy lùi tiến xa/Năm tư dân tộc một nhà/Đại đoàn kết chặt nở hoa thanh bình…”.

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, vì vậy mà sự cống hiến của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Cống hiến là sự hy sinh của bản thân, đoàn kết, đồng lòng, hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng. Đó cũng là lời nhắn nhủ của tác giả trẻ Bích Hậu (TP Hồ Chí Minh) thông qua bài thơ Khát vọng tuổi trẻ: “Nhiệt huyết tràn trề sức trẻ/
Chung sức đồng lòng đam mê, khao khát/Chí cháy trời xanh, hướng phủ bốn bề/Lòng trẻ rộng, đem đất trời hóa chật/Như con chim non muốn vượt ngàn dặm đất/Như cây rừng muốn vươn mình chạm ánh dương xa”.

Bằng cách sử dụng liên tiếp những động từ, tính từ mạnh: “Tràn trề”, “đam mê”, “khao khát”, “vượt”, “vươn”... Lời thơ thể hiện được ý chí quyết tâm, tràn trề sinh lực của một tác giả trẻ. Đó là nhắn gửi của thế hệ trẻ cùng nhau quyết tâm dâng hiến cuộc đời, sẵn sàng tận trung đồng lòng đoàn kết xây dựng quê hương đất nước.

Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh lớn lao chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Xuyên suốt mạch nguồn thi ca nhiều tác phẩm tạo nên giá trị, thắp lên ngọn lửa cho bài ca kết đoàn.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục