Hình tượng Mèo trong văn hóa dân gian

- Mèo là một loài vật gần gũi với đời sống của con người. Trong 12 con giáp, mèo đứng ở vị trí thứ 4. Ý nghĩa hình tượng Mèo trong văn hóa dân gian cũng có rất nhiều điểm độc đáo.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Trong 12 con giáp, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.

Trung Quốc sử dụng hệ 12 con giáp, chỉ khác là con thỏ được thay thế bằng con mèo. Có nhà nghiên cứu cho rằng: điều này có được là do trong quá trình truyền bá văn hóa, biểu tượng của Địa chi (Trung Quốc) có cách đọc là “mảo” (nghĩa là thỏ) đồng âm với “mao” (nghĩa là mèo) nên mới có sự khác biệt như vậy.


Ai Cập và Hy Lạp cũng có hệ 12 con giáp. Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.

Tại Nhật Bản, tuy mèo không nằm trong 12 con giáp, nhưng mèo lại là biểu tượng của sự may mắn, qua câu chuyện nổi tiếng về “Chú mèo vẫy tay” Tama đã cứu sống một vị lãnh chúa khỏi bị cây đổ do sét đánh. Và ngày nay tại Nhật Bản, ngôi đền thờ chú mèo Tama này vẫn còn tồn tại.

Ý nghĩa hình tượng mèo trong văn hóa Việt Nam

Ở nước ta, ý nghĩa hình tượng loài mèo trong văn hóa cũng được thể hiện qua các dòng tranh dân gian rồi đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn.

Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhà văn Tô Hoài, là bậc thầy về truyện loài vật; trong tác phẩm “O chuột” ông đã viết về con mèo bằng những dòng thật sinh động: “… Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả...”.

Bên cạnh những ý nghĩa của mèo trong văn hóa dân gian, trong phong thủy mèo cũng được đề cao. Bắt nguồn từ hình ảnh mèo di chuyển mềm dẻo, kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động, mèo được coi là loại linh thú cát tường có thể hóa giải sát khí, đem lại vận may cho gia chủ.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục